Những 'bóng hồng' trên phòng tuyến chống dịch: Hậu phương thầm lặng

Hàng nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ tình nguyện tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thầm lặng trở thành hậu phương cho lực lượng tuyến đầu và góp phần chăm lo đời sống người dân giữa đại dịch.
Bếp ăn nghĩa tình của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vĩnh Long đồng hành hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp suốt thời gian qua đã gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người dân tỉnh Vĩnh Long.

Bên cạnh những nữ bác sỹ, công an, quân đội xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ cũng tình nguyện tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thầm lặng trở thành hậu phương cho lực lượng tuyến đầu và góp phần chăm lo đời sống người dân giữa đại dịch.

Tùy theo khả năng và điều kiện, chị em đã tình nguyện trực chốt kiểm soát dịch, khu phong tỏa, ghi nhận thông tin, tiêm vaccine, đi chợ thay.

Tất cả đều vì mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh và đem lại cuộc sống ổn định cho nhân dân.

Thầm lặng nơi hậu phương

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc tăng cường các biện pháp kiểm soát giãn cách, tỉnh Vĩnh Long còn triển khai các tổ “đi chợ thay” để người dân không phải ra đường khi không cần thiết, tránh lây lan dịch bệnh.

Thực hiện chủ trương này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Phước, huyện Mang Thít Ngô, Nguyễn Hiền Nhi cùng các hội viên phụ nữ ở cơ sở đã tất bật với việc “đi chợ thay” tìm mua từng món thực phẩm, nhu yếu phẩm theo đơn hàng của người dân. Mỗi ngày, các chị tiếp nhận đơn hàng qua điện thoại, tin nhắn, sau đó phân loại để đi mua, rồi trở về phân chia lại theo từng đơn hàng, gửi cho người dân.

[Phát huy mạnh mẽ phẩm chất của người phụ nữ trong thời đại mới]

Để tiết kiệm chi phí cho người dân, chị và các thành viên tổ chủ động liên hệ với các nhà vườn để đến tận nơi mua nông sản vừa giá cả phải chăng vừa đảm bảo tươi ngon.

"Hằng ngày, cứ rạng sáng là các thành viên tổ phải thức dậy lo đi chợ mua đủ thứ món, mua về phân loại giao xong thì lại lo đơn hàng cho hôm sau. Cũng có những lúc khó khăn do giãn cách, mình không mua được hàng hoặc mua hàng không đúng như bà con nhờ, nhưng qua giải thích thì bà con cũng hiểu và đồng thuận. Tuy công việc có nhiều áp lực, khó khăn, nhưng khi giúp được cho người dân, thấy được niềm vui và những lời cảm ơn chân thành là chúng tôi lại quên đi mệt mỏi để tiếp tục nhiệm vụ," chị Hiền Nhi chia sẻ.

Không để mình ở ngoài cuộc chiến chống dịch COVID-19, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, phát huy vai trò là hậu phương vững chắc, chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Các cấp Hội trong tỉnh đã vận động mọi nguồn lực cùng cả tỉnh chống dịch, đồng thời sáng tạo, vận động thành lập hơn 50 mô hình tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả, tạo sức lan tỏa tại địa phương, như: “Chai nước nghĩa tình,” “Gian hàng 0 đồng,” “Bữa cơm nghĩa tình,” “Chia sẻ yêu thương trong mùa dịch”...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vĩnh Long Nguyễn Ánh Nguyệt cho biết ngay trong những ngày đầu dịch bùng phát, các cấp Hội đã kêu gọi hội viên tùy theo khả năng, chia sẻ với các lực lượng đang trực chốt kiểm soát, những hộ nghèo, hộ khó khăn do dịch bệnh.

Hưởng ứng cuộc vận động "Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội phát động, hội 2 cấp đã vận động hơn 800 phần quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Ở cơ sở, nhiều hội viên phụ nữ đã tham gia hoạt động truy vết, trực chốt kiểm soát, nấu ăn cho các đối tượng khó khăn trong khu cách ly, trong vùng phong tỏa.

Điển hình như bếp ăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vĩnh Long đã được thành lập từ những ngày đầu tỉnh thực hiện giãn cách xã hội và đã thu hút nhiều hội viên cơ sở tích cực tham gia và ủng hộ.

Người góp công, người góp của, cùng giữ lửa cho bếp ăn trong suốt những ngày cả tỉnh căng mình chống dịch. Qua đó, bếp ăn đã phục vụ hơn 35.000 suất cơm cho lực lượng y tế, chốt kiểm soát dịch bệnh và người dân khó khăn trên địa bàn.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vĩnh Long Nguyễn Ánh Nguyệt, dù hiện nay, tình hình dịch bệnh tại tỉnh dần được kiểm soát, bếp ăn cũng tạm thời ngưng hoạt động, nhưng các cấp hội viên vẫn luôn chủ động tham gia các công việc, góp phần phòng, chống dịch.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đang tập trung cao điểm cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên ở cơ sở và người dân về các giải pháp sống chung với dịch.

Song song đó, Hội chuyển hình thức hoạt động với phương châm “Mùa nào phong trào đó" để phát huy vai trò của hội viên phụ nữ, thích nghi với từng trạng thái xã hội trong điều kiện dịch còn diễn biến phức tạp.

Tri ân đóng góp của lực lượng nữ trên tuyến đầu

Là cán bộ quản lý y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị COVID-19 của tỉnh Vĩnh Long kiêm Giám đốc bệnh viện Dã chiến Hòa Phú (huyện Long Hồ), từ ngày dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng đã có những đêm thức trắng như bao chị em nơi tuyến đầu chống dịch.

Bên cạnh giải quyết các công việc liên quan đến phòng, chống dịch, điều hành hoạt động bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, chị còn miệt mài với những buổi đi thực tế ở cơ sở để giám sát và chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng vaccine cho nhân dân.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cũng có mặt ở các “mặt trận” chống dịch để kịp thời động viên, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có các nhân viên y tế.

Sau những vất vả, điều chị tâm đắc và chia sẻ không phải những gì mình đã làm được mà là sự tri ân đối với lực lượng tuyến đầu đã đóng góp, đồng hành cũng địa phương để từng bước kiểm soát dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng đón và động viên người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ: “Là cán bộ y tế nữ, tôi thấu hiểu những vất vả và lo toan của phụ nữ tuyến đầu chống dịch, phía trước là bệnh nhân, sau lưng là gia đình và trên vai là cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa biết hồi kết thúc. Ai đi đâu mà không muốn trở về nhà, nhưng sau những vất vả, căng thẳng, âu lo, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu chống dịch không thể làm được điều đó. Nhiều chị em xong nhiệm vụ tự nguyện ở lại khu cách ly của bệnh viện vì sợ nếu không may mình bị nhiễm bệnh khi thực hiện nhiệm vụ sẽ mang bệnh về cho gia đình.”

Theo bà Hồ Thị Thu Hằng, càng đi về tuyến cơ sở càng thấy được nhiều lực lượng nữ trên phòng tuyến chống dịch. Các chị em dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã chung sức cùng chăm lo từng suất cơm, từng chai nước cho lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch. Đó không chỉ là đóng góp của một cá nhân, mà có khi làm một tập thể. Mỗi người đóng góp một phần công sức với chung một tấm lòng cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Thời điểm khó khăn nhất tạm thời qua đi, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản được kiểm soát. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đã dần vượt khỏi không gian gia đình và gắn với trách nhiệm cộng đồng, không ngừng nỗ lực cùng địa phương chuyển sang thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định những tháng qua, lực lượng phụ nữ ngành y tế phải căng mình cho công tác truy vết, xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân. Họ phải mang trang phục và dụng cụ bảo hộ suốt ngày nhưng vẫn đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Cùng với nhân viên y tế, các lực lượng phụ nữ công an, quân đội cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì việc chung, tham gia truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch… mà không kể thời gian và sự vất vả. Các chị cùng tích cực phối hợp để phát huy tốt vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu phòng, chống dịch và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ cuộc sống của mọi người dân. Và trong cuộc chiến chống dịch càng không thể thiếu vai trò của lực lượng phụ nữ ở cơ sở.

Phụ nữ ở xã, phường tích cực tham gia các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trực chốt kiểm soát, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương bằng ý thức và trách nhiệm cộng đồng, trở thành hậu phương vững chắc chăm lo cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận những đóng góp của các lực lượng nữ cùng tham gia công tác phòng, chống dịch. Những đóng góp có khi hiện hữu, cũng có khi âm thầm của từng hội viên phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định thành công trên "mặt trận" phòng, chống dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục