Nhân kỷ niệm 51 năm ngày thành lập ASEAN (8/8), tờ New Straits Times đăng tải bài viết với tựa đề “ASEAN chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo” của tác giả Ahmad Rozian Abd Ghani, Tổng giám đốc Ban thư ký ASEAN-Malaysia, Bộ ngoại giao Malaysia.
Bài viết nêu rõ Tuyên bố ASEAN được ký kết ngày 8/8/1967 bởi 5 quốc gia sáng lập gồm Malaysia, Indonesia, Philippine, Singapore và Thái Lan, theo đó ASEAN được thành lập với mục đích chính là đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á.
Cho đến nay, ASEAN đã tiến một bước dài. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN trong thời gian Malaysia làm Chủ tịch khối năm 2015 đánh dấu một bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của ASEAN. Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại những thay đổi có ý nghĩa và tích cực cho cuộc sống của người dân khu vực, dựa trên sự ổn định về chính trị, phát triển kinh tế công bằng và trách nhiệm xã hội.
Về mặt kinh tế, ASEAN đã đạt được những thành quả to lớn. ASEAN có thị trường trị giá 2.600 tỷ USD với tổng dân số hơn 635 triệu người. ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. ASEAN cũng được nhìn nhận là xung lực thúc đẩy cấu trúc hợp tác khu vực.
[Đâu là khả năng cho một ASEAN "tự cường và sáng tạo"?]
Với tầm quan trọng về chính trị, trong suốt 5 thập kỷ qua, ASEAN đã tập hợp được các đối tác ngoài khu vực cùng thương lượng, đối thoại và can dự với các quốc gia ASEAN trong các vấn đề có chung lợi ích, thông qua các tiến trình do ASEAN lãnh đạo, bao gồm ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN, Khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á.
ASEAN cũng tạo diễn đàn cho các nước như Triều Tiên hay Hàn Quốc ngồi lại cùng nhau với sự tham dự của các bên tham gia khác, trong đó có những cường quốc, nhằm thảo luận những vấn đề cùng quan tâm về chính trị và an ninh.
Năm 2015, ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây là một lộ trình thể hiện rõ những mục tiêu của khối, vạch ra con đường phát triển cho ASEAN trong vòng 10 năm tiếp theo.
Chương trình này đã chỉ ra chi tiết các mục tiêu và tham vọng của ASEAN với tư cách là một kết cấu khu vực để khối bước vào giai đoạn tiếp theo, nỗ lực củng cố, hợp nhất và gắn kết mạnh mẽ hơn. ASEAN 2025 cũng là một công cụ giúp khu vực phát triển tốt đẹp hơn về mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Đây là một sự đầu tư lâu dài cho tương lai mà khối không được từ bỏ, vì lợi ích của các thế hệ tiếp theo.
Theo bài viết, một trong những đặc điểm chính của Tầm nhìn ASEAN 2025 là sự tập trung vào một ASEAN với trọng tâm là người dân.
Điều này có nghĩa là ASEAN sẽ trở thành một phương tiện mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa những ước muốn của người dân khu vực, như quản trị tốt, minh bạch, tiêu chuẩn sống cao hơn, phát triển bền vững, trao quyền cho phụ nữ và tạo cơ hội tốt hơn cho tất cả.
Bài viết khẳng định, chia sẻ những mong muốn về hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, Malaysia sẽ tiếp tục đặt ASEAN vào trọng tâm trong chính sách ngoại giao của mình.
Theo đó, Malaysia sẽ tập trung vào những vấn đề then chốt trong phạm vi ASEAN, vì mục tiêu đảm bảo một khu vực hòa bình và an toàn. Malaysia sẽ ủng hộ tăng cường quản trị tốt tại ASEAN, giải quyết các quan tâm về nhân quyền, khuyến khích hợp tác, phát triển bền vững và tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và bạo lực cực đoan.
Với sự ủng hộ và cam kết của tất cả các quốc gia ASEAN thành viên, Malaysia tin tưởng rằng ASEAN sẽ lớn mạnh, vượt qua những thách thức có thể xuất hiện trong một thế giới đa cực và đạt được những gì các quốc gia sáng lập khối hằng mong muốn cho khu vực, đó là hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho tất cả./.