Cứ vào dịp 1/4 hàng năm (ngày hội “bắt cá”), nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì những trò đùa của bạn bè. Nhưng cũng đã không ít người lại trở thành nạn nhân của chính mình khi những lời nói dối “phản chủ.”
Phát hoảng vì... Cá tháng Tư
Nhớ lại ngày Cá tháng Tư năm trước, Trung Quý (20 tuổi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn giữ một tâm trạng khó tả: vừa thích thú vì “bắt được nhiều cá” vừa bối rối, áy náy vì trò đùa thái quá của mình.
“Khi ấy, tôi cùng một người bạn (tên Đô) ngồi chơi ở khu vực Hồ Tây. Chúng tôi nảy ra ý định rủ thêm một người bạn. Tôi háo hức lục danh bạ nhưng rồi thấy chỉ có Linh là ‘đối tượng’ khả thi. Thế nhưng, lúc đó cũng đã là 12 giờ đêm, nếu chỉ gọi ‘suông,’ chắc Linh không đến,” Trung Quý kể.
[News Game] Bạn biết những gì về ngày nói dối Cá tháng Tư?
Vậy là cậu sinh viên quyết định gọi điện với lời nói dối: “Linh ơi, anh Đô bị tai nạn ở Quảng An, lên ngay đi! Một mình tớ không đưa anh ấy về được!”
Lần đầu nói dối trơn tru, Quý tự ngạc nhiên trước tài diễn xuất của chính mình. Tuy nhiên, ở đầu dây bên kia, Linh chỉ “ừ ừ” lấy lệ nên Trung Quý chắc mẩm chiêu trò sẽ không có kết quả như kỳ vọng.
“Kệ thôi, gọi mà không lên thì hai anh em tự vui với nhau. Vậy là tôi và Đô tắt máy, mua bia và mồi nhậu,” Trung Quý nhớ lại.
Gần một tiếng sau, ngà ngà say, Trung Quý mở điện thoại, định gọi xe để về. “Lúc đó, thật không thể tin được! Đập vào mắt mình là 56 cuộc gọi nhỡ. Điện thoại của Đô thì gần 100 cuộc. Tất cả các cuộc gọi đều từ bạn bè của tôi và Đô. Khi cả hai còn đang bàng hoàng, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì lập tức điện thoại của tôi reo - cuộc gọi từ một người bạn chung của cả hai,” cậu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kể.
Thì ra, sau khi nhận cuộc gọi của Trung Quý thông báo “Đô bị tai nạn,” Linh lập tức gọi cho bạn bè lên “ứng cứu.” Khi Quý nhận ra hậu quả nghiêm trọng từ lời nói dối thái quá của mình thì nhóm bạn cũng đã phải đi vòng quanh khu vực Quảng An gần một tiếng đồng hồ với tâm trạng lo lắng.
Còn với Nguyễn Phúc (20 tuổi, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cú lừa ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ một câu nói từ vài tháng trước. “Khi đó, tôi và bạn trai đang trong giai đoạn tìm hiểu. Tôi láu cá, thích đùa dai còn bạn trai lại hiền lành. Khi anh hỏi ngày sinh nhật, tôi cười và bảo: em sinh vào Cá tháng Tư,” Phúc nói.
Gần ba tháng trôi qua, cô bạn quên lời nói đùa hôm nào và cũng quen dần với vẻ đĩnh đạc, từ tốn của bạn trai. Thế nhưng, điều bất ngờ là thái độ của người bạn ấy dần thay đổi. “Tôi cảm thấy anh rất khác, lạnh lùng, ít quan tâm tới tôi hơn. Đã có lúc tôi nghĩ, anh có bạn gái mới,” Phúc kể.
Sau một thời gian cân nhắc, Phúc quyết định chia tay bạn trai. Cô vô tình chọn đúng ngày Cá tháng Tư để nói chia tay. “Khi tôi hẹn gặp thì bất ngờ, bạn trai nói cũng gặp tôi. Vậy là kết thúc rồi,” Phúc nghĩ.
Hôm đó, cả hai đến chỗ hẹn. Cô nhớ lại: “Dù tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn không tránh được sự bồn chồn; thậm chí, còn cảm thấy muốn òa khóc khi thấy bạn trai đến từ sớm bởi tôi nghĩ anh nóng lòng muốn kết thúc sớm chuyện tình cảm với mình.”
Chỉ khi bản nhạc mà cả hai cùng yêu thích vang lên, nhân viên phục vụ trong cửa hàng mang bánh sinh nhật và hoa đến tận bàn thì Phúc mới biết bản thân đã nhầm. Bạn trai đã bí mật tổ chức tiệc sinh nhật cho cô vào đúng ngày Cá tháng Tư như câu trả lời của cô từ những tháng trước…
Gậy ông đập lưng ông
Trong khi không ít bạn trẻ thu hoạch được những “mẻ cá” lớn thì nhiều người cũng kém duyên với Cá tháng Tư đến mức bị “phản đòn.”
Đức Huy (19 tuổi, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho hay, khi còn học phổ thông, Huy làm lớp trưởng lớp học thêm Tiếng Anh, chịu trách nhiệm thông tin giữa giáo viên và các bạn.
"Trong lớp, Tôi thầm thích một cô bạn vừa học giỏi vừa xinh xắn (Ngân) nhưng chưa biết làm cách nào để bày tỏ. Thật tình cờ, ngày Cá tháng Tư năm đó trùng với một buổi học của lớp. Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định chớp lấy thời cơ,” Huy kể.
Thông thường, những thông báo về lịch học, hệ thống bài tập, giáo viên tin tưởng giao cho Huy - chàng lớp trưởng chăm chỉ, gương mẫu để chuyển đến các bạn trong lớp. Vì vậy, Huy càng củng cố niềm tin rằng, không ai nghĩ cậu sẽ “lách luật.”
“Trước buổi học ba ngày, tôi gửi tin nhắn thông báo nghỉ học cho cả lớp, trừ Ngân. Để giảm thiểu ‘thiệt hại,’ tôi vạch sẵn phương án dự phòng: gửi tin đính chính trước giờ vào lớp khoảng bốn tiếng. Tôi nghĩ, với những thông báo gấp gáp như vậy, sẽ không có nhiều bạn kịp ‘trở tay.’ Vậy là lớp học sẽ chỉ có tôi, Ngân và một vài bạn khác. Đây chính là cơ hội để tôi trò chuyện với Ngân nhiều hơn.”
Dẫu vậy, Trời không chiều lòng người! Điện thoại của Huy bất ngờ bị hỏng. Cậu quyết định chuyển sang gửi thông báo bằng email. “Tôi cẩn thận đề nghị từng bạn phản hồi xã nhận việc đã nhận email thông báo. Quả thực, lúc đó, tâm trạng tôi khá bồn chồn, lo lắng trước hậu quả mình gây ra.”
Thế nhưng, thật bất ngờ, các bạn trong lớp đều hồ hởi thông báo với Huy một thông tin trái ngược: Chính cô gáo nhắn tin báo chuyển buổi học sang thời gian khác cho từng bạn trong lớp.
“Tôi dở khóc dở cười vì không ngờ rằng lời nói dối của mình lại thành sự thật! Đúng là 30 chưa phải Tết! Ngay từ đầu, cô giáo và cả lớp biết tôi nói dối nhưng quyết định chơi trò đùa ấy đến cùng. Sau loạt tin nhắn thông báo nghỉ học của tôi, cô giáo gửi email thông báo lịch học mới khiến mọi kế hoạch của tôi tan theo mây khói,” Đức Huy nhớ lại..../.