Ở giai đoạn cao điểm, dịch bệnh bùng phát căng thẳng, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thay phiên nhau trực chiến 24/24, bám sát thời sự. Có những lúc họ dường như quên đi bản thân mình, gác lại những việc riêng tư để đồng hành cùng những lực lượng tuyến đầu, đảm bảo dòng tin chính thống, tin cậy đến được với độc giả một cách nhanh nhất.
Không chỉ tâm huyết với nhiệm vụ chuyên môn, họ còn đứng trong hàng ngũ Ban chỉ đạo chống dịch, tham gia các công tác xã hội, hoạt động thiện nguyện ở địa phương nơi mình công tác.
Động lực để dấn thân trong nghề báo
Là phóng viên theo sát tình hình thời sự dịch bệnh, luôn có mặt ở những điểm nóng để thực hiện các phóng sự video, áp lực lớn nhất của Phan Hải Tùng Lâm (Báo điện tử VietnamPlus) là nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình.
Dù vất vả song với phóng viên Tùng Lâm, anh vẫn luôn có động lực để cố gắng. Đó là truyền tải những câu chuyện xúc động về những con người thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch.
“Từ khi dịch bệnh bùng phát thì chúng ta cũng phải đối mặt với cuộc chiến chống tin giả hết sức cam go. Vì vậy, tôi ý thức được rằng những câu chuyện chân thực, những hình ảnh sống động chính là vũ khí của người làm báo trong quá trình đấu tranh với tin giả, góp phần chống dịch cùng lực lượng y tế, công an, quân đội…,” phóng viên Tùng Lâm chia sẻ.
Một trong số những nhân vật mà Tùng Lâm thấy ấn tượng nhất là chiến sỹ cảnh sát giao thông trực chốt ở cửa ngõ Thủ đô, gần sân bay Nội Bài. Lực lượng công an, quân đội luôn có rất nhiều nguyên tắc trong công việc, vì vậy khi phóng viên đưa ra câu hỏi như “Các anh gặp phải khó khăn gì?” thì họ thường trả lời đơn giản rằng nhiệm vụ của họ là phục vụ nhân dân nên mọi khó khăn đều phải tìm cách khắc phục…
[Phóng viên TTXVN xung kích trên mặt trận chống dịch COVID-19]
Tùng Lâm đã cố gắng tiếp xúc gần gũi một chiến sỹ trạc tuổi mình, cũng có con nhỏ để tìm hiểu câu chuyện của anh ở góc độ đời thường, để những tác phẩm báo chí giàu cảm xúc hơn.
“Có lẽ hoàn cảnh tương đồng khiến anh ấy cởi mở với tôi hơn. Bao nhiêu nỗi nhớ nhà, thương con, anh ấy đều bộc bạch rất chân tình. Anh đã xa nhà 6 tháng rồi. Khi lên đường nhận nhiệm vụ, con anh ấy chưa biết đi, hiện giờ thì cháu bé đã biết nói,” Tùng Lâm xúc động kể.
Đêm hôm đó, Tùng Lâm về nhà lúc 3 giờ sáng. Anh chỉ bật đèn flash ở điện thoại để vào nhà vì mọi người đã đi ngủ. Ngang qua cửa phòng ngủ, trong bóng tối bỗng có tiếng gọi khẽ: “Bố về đấy à, bố vào với con…”
“Khoảnh khắc đó, tôi cũng rơi nước mắt, không nghĩ con còn nhỏ như vậy mà tỉnh ngủ vào giờ ấy, hẳn con rất nhớ bố,” Tùng Lâm rưng rưng.
Qua những giờ phút xúc động ấy, anh vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người bởi họ còn không thể về nhà trong một thời gian dài. Từ đó, anh lại càng có thêm động lực để lên đường, ghi lại nhiều câu chuyện hơn nữa…
Khi phóng viên là F0…
Cách Việt Nam 20 giờ bay, những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, cơn bão mang tên COVID-19 bất ngờ càn quét Cơ quan thường trú TTXVN tại Pretoria (Nam Phi) khiến tất cả các thành viên trong gia đình của hai phóng viên thường trú đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều đáng nói, cũng thời điểm này, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình trạng bạo lực, cướp phá gia tăng khắp nơi đã buộc các phóng viên F0 phải khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa chữa bệnh, vừa đảm bảo thông suốt nhiệm vụ thông tin.
Thời điểm đó, Nam Phi - quốc gia đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh trên toàn châu Phi - đang trong đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba, với khoảng 20.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày.
Trái ngược với thời tiết mùa Hè ở Việt Nam, đất nước Nam bán cầu này hiện đang trải qua mùa Đông. Thời tiết lạnh, sự chủ quan trong phòng, chống dịch và việc chậm triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã khiến tình hình dịch bệnh tại Nam Phi ngày càng trầm trọng. Cùng với sự xuất hiện và hoành hành của biến thể Delta, tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg, trở thành tâm dịch với số ca mắc và tử vong mỗi ngày lớn nhất cả nước.
Nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ hoạt động tác nghiệp và sinh hoạt hằng ngày tại địa bàn nóng, CQTT Pretoria đã chủ động trang bị phương tiện và thiết bị phòng dịch, cũng như liên tục cập nhật tình hình từ cơ quan y tế địa phương.
Ngay sau khi gửi báo cáo tình hình và nhận chỉ đạo từ Ban lãnh đạo TTXVN, CQTT Pretoria chính thức khởi động chương trình “bế quan tỏa cảng,” tự cách ly, ứng phó với tình huống khẩn cấp có trường hợp F0 như kế hoạch trước đó.
“Đúng vào giai đoạn gay cấn thực hiện ‘mục tiêu kép’ thì tình hình an ninh của nước sở tại và nước láng giềng Eswatini trở nên hết sức phức tạp, buộc chúng tôi phải nhanh chóng ra khỏi giường bệnh,” nhà báo Hồng Minh, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Pretoria (Nam Phi) chia sẻ.
Tác nghiệp khi sức khỏe không tốt vốn đã khó khăn, tác nghiệp khi mắc COVID-19 với đủ các triệu chứng của bệnh cùng việc phải tự giác cách ly, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, khiến công việc của các phóng viên lại càng thêm vất vả.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn và thách thức ấy, qua gần một tháng thực hiện “mục tiêu kép,” Cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Phi có sản lượng tin, bài vượt các tháng trước đồng thời đón nhận tin vui là các phóng viên đều đã khỏi bệnh. Họ lại tiếp tục bám địa bàn, không để sót, lọt thông tin ở quốc gia phía Nam lục địa châu Phi này trong dòng chảy thông tin Thông tấn xã Việt Nam./.
Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Với đội ngũ khoảng 1.200 phóng viên, biên tập viên, TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước, được đăng tải bằng nhiều ngôn ngữ nhất. Trong gần hai năm bùng phát dịch bệnh, các đơn vị thông tin của TTXVN đã sản xuất khối lượng lớn tin bài, tạo thành luồng thông tin chính thống, phản bác tin tức thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Trước làn sóng dịch thứ 4, trung bình mỗi tháng có 6.300 sản phẩm liên quan đến dịch bệnh. Vào giai đoạn cao điểm, con số này tăng lên 18.000 sản phẩm/tháng. |