Theo AFP/Reuters/politico.eu, việc Nga triển khai gần 80.000 quân ở Crimea và biên giới Ukraine đang khiến phương Tây lo ngại. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng sự hiện diện quân sự này là "sự leo thang" và phải dừng lại "ngay lập tức."
Tuy nhiên, phía Moskva trả lời đây đơn giản chỉ là "một cuộc tập trận quân sự."
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 13/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Brussels để tham khảo ý kiến các đồng minh NATO cũng như Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba, người đang tham dự Hội đồng NATO-Ukraine.
Cuộc gặp của Ngoại trưởng Blinken có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ Berlin qua. Trong cuộc họp báo hôm 13/4 tại trụ sở của NATO ở Brussels với sự tham dự của Ngoại trưởng Dmytro Kouleba, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Trong những tuần gần đây, Nga đã triển khai hàng nghìn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu ở biên giới Ukraine. Nga phải chấm dứt sự tăng cường quân sự này ở trong và xung quanh Ukraine, ngừng các hành động khiêu khích và dừng ngay lập tức mọi động thái leo thang quân sự."
Các quốc gia phương Tây không chỉ lo ngại về số lượng binh sỹ được Nga triển khai, mà còn lo ngại trước việc Moskva phô bày vũ khí trang bị đi kèm như "các cuộc tập trận quân sự" nhằm đáp trả "các mối đe dọa" của NATO và "tình hình bùng nổ" ở Ukraine.
Theo Kiev, Nga đã triển khai 46 tiểu đoàn chiến thuật - tương đương khoảng 105.000 quân - dọc theo biên giới với Ukraine và ở Crimea, và lực lượng này được cung cấp 19.000 tấn nhiên liệu và 355 tấn đạn dược.
Tuy nhiên, dưới con mắt của phương Tây, những ý định cuối cùng của Nga vẫn là viển vông. Theo các chuyên gia, Nga đã không áp dụng một "thế trận tấn công."
[Nga bắt giữ nhà ngoại giao Ukraine đang thu thập thông tin mật]
Kiev kêu gọi các đồng minh không lặp lại sai lầm năm 2014, khi họ bị khuất phục sau vụ sáp nhập Crimea và sự ủng hộ của Nga đối với phe ly khai ở Donbass. Ukraine không từ bỏ việc đòi lại lãnh thổ của mình, nhưng Nga đang đẩy mạnh các bước để củng cố tình hình.
Nga đã cấp hàng nghìn cuốn hộ chiếu cho cư dân miền Đông Ukraine, hầu hết là những người nói tiếng Nga. Để đẩy nhanh quá trình "Nga hóa Crimea", tháng 3/2020, Tổng thống Putin đã cho "người nước ngoài" (bao gồm hơn 10.000 người Ukraine) 1 năm để bán các tài sản ven biển của họ trên bán đảo cho người Nga.
Ngoại trưởng Kouleba nhắc lại tại Brussels: "Về mặt chiến lược, Nga phải hiểu rằng Ukraine thuộc về thế giới của các nền dân chủ, thuộc về thế giới phương Tây, và phương Tây sẽ không để Nga phá vỡ nền dân chủ và chủ quyền của Ukraine."
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết quân đội được triển khai tại các khu vực biên giới phía Tây của Nga là "để tập trận" và để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ông Shoigu còn nói rằng việc triển khai quân của Nga nhằm đáp lại các hành động quân sự của NATO khi "bố trí quân gần biên giới của Nga, chủ yếu ở các khu vực Biển Đen và biển Baltic."
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin - người đã xây dựng nhiệm kỳ tổng thống của mình dựa trên ý tưởng tái khởi động một nước Nga hùng mạnh - tố cáo việc NATO tiến hành các cuộc tập trận ở biên giới Nga và ý đồ của Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các nước trước đây là thành viên của Liên Xô. Trong tháng 4, 5 trong số 10 cuộc diễn tập của NATO sẽ được tổ chức tại các quốc gia thành viên ở phía Đông.
Tại sao lại là bây giờ?
Theo hãng tin AFP, các nhà quan sát đã chỉ ra một số lý do tiềm ẩn dẫn tới hành động leo thang hiện nay. Nhiều người cho rằng cả Moskva và Kiev có thể đang "thử" tân Tổng thống Mỹ Joe Biden để xem ông sẵn sàng tiến xa tới đâu nhằm bảo vệ đồng minh của Washington và đối đầu Nga.
Tháng trước, Tổng thống Biden đã khiến Moskva tức giận khi đồng ý với việc gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ giết người."
Những người khác cho rằng Nga có thể đang gửi tín hiệu đến Ukraine để yêu cầu nước này lùi bước sau khi Kiev áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nghị sỹ và doanh nhân Viktor Medvedchuk - một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, và cấm 3 kênh truyền hình thân Nga có liên quan đến Medvedchuk.
Ngoài ra, một số người nói rằng Điện Kremlin có thể đang tìm cách khuấy động lòng yêu nước trước thềm các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9.
Alexei Navalny - nhân vật kịch liệt chỉ trích Tổng thống Putin - đã bị bỏ tù trước thềm cuộc bầu cử này, nhưng đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đang rất không được lòng dân.
Phản ứng của Mỹ
Hãng tin Reuters cho biết, trong một động thái thể hiện quan ngại của Mỹ về căng thẳng đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề xuất hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở một nước thứ ba, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tuyên bố của Nhà Trắng sau cuộc điện đàm có đoạn: "Tổng thống Biden cũng tuyên bố rõ ràng Mỹ sẽ hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình khi đáp trả các hành động của Nga, ví dụ như việc xâm nhập vào hệ thống mạng và can thiệp vào các cuộc bầu cử."
Tuyên bố cho biết: "Tổng thống lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Nga bất ngờ tăng cường triển khai quân ở khu vực Crimea bị chiếm đóng và ở khu vực biên giới Ukraine, và kêu gọi Nga không leo thang căng thẳng."
Ngoài ra, ông Biden cũng tái khẳng định mục tiêu xây dựng "một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được" với Nga và nói rằng một cuộc họp trong những tháng tới có thể giải quyết "toàn bộ các vấn đề" mà hai cường quốc thế giới đang phải đối mặt.
Điện Kremlin trong ghi chép về cuộc hội đàm cho biết ông Biden đã nói với Tổng thống Putin rằng ông muốn bình thường hóa quan hệ và hợp tác về vấn đề kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran, vấn đề Afghanistan và biến đổi khí hậu. Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức một cuộc gặp cấp cao nhưng không cho biết phản ứng của nhà lãnh đạo Nga.
Ngoại trưởng Blinken cũng lặp lại thông điệp của Nhà Trắng trong cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine ở Brussels với các nhà lãnh đạo NATO và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine.
Ông Blinken cũng cho biết ông sẽ thảo luận về mong muốn một ngày nào đó được gia nhập NATO của Kiev, mặc dù Pháp và Đức từ lâu đã lo ngại rằng việc đưa nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này vào NATO sẽ khiến Nga tức giận.
Andrew Weiss, nhà phân tích về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định rằng cuộc trao đổi của Biden với Putin phản ánh mối quan tâm của Mỹ đối với Ukraine và mong muốn làm việc với Nga trong những vấn đề hai bên có thể có lợi ích chung.
Ông nói: "(Washington) có nhu cầu khẩn cấp gửi một tín hiệu trực tiếp đến Putin rằng những gì Nga đang làm ở và xung quanh Ukraine là nguy hiểm và gây mất ổn định, ngay cả khi các bộ phận khác của chính quyền cố gắng duy trì khả năng hợp tác về các vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, Afghanistan, biến đổi khí hậu và sự ổn định chiến lược."
Ngoài cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, đối mặt với việc Nga triển khai quân tại khu vực biên giới với Ukraine, Mỹ đã điều hai tàu khu trục đến Biển Đen và thông báo vào hôm 13/4 rằng sẽ triển khai thêm 500 quân ở Đức vào mùa Thu tới.
Phương Tây cũng lo lắng về thông điệp mà Điện Kremlin đưa ra, theo đó Nga đang chuẩn bị để lấy lại "thứ của riêng mình" ở Donbass, nơi mà Kiev quyết giành bằng vũ lực.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Các nhà phân tích cho rằng một cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine của Nga hoặc một cuộc tấn công của Kiev được NATO hậu thuẫn nhằm vào phe ly khai sẽ không thể xảy ra vào lúc này, nhưng căng thẳng hiện nay đã đạt đến một mức độ đáng ngạc nhiên.
Hãng tin AFP trích dẫn phát biểu của nhà phân tích quân sự người Nga Vasily Kashin của Trường Kinh tế: "Quan hệ giữa Nga và NATO đang ở một mức thấp mới... thời điểm tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc."
Timothy Ash, một nhà phân tích của Công ty quản lý tài sản BlueBay có trụ sở tại London, nhận định: "Giọng điệu của Moskva khá khác thường. Moskva chưa từng có giọng điệu mạnh mẽ như vậy kể từ năm 2014 khi sáp nhập Crimea."
Nhiều nhà phân tích cho rằng các đồng minh NATO sẽ không sẵn sàng điều lực lượng của mình tham gia vào một cuộc xung đột chống lại Moskva vì vấn đề liên quan tới Ukraine, nhưng họ có thể tăng cường các hình thức hỗ trợ khác.
Bruno Lete, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Marshall Đức - một cơ quan nghiên cứu của Mỹ - nói: "Các thành viên NATO sẽ không điều bất kỳ lực lượng nào tới Ukraine. Sự ủng hộ của họ sẽ chỉ giới hạn ở việc đưa ra thông điệp chính trị, cố vấn về quân sự và hỗ trợ kỹ thuật."
Còn theo nhận định của trang mạng politico.eu, phần lớn các nhà quan sát cho rằng tình hình hiện nay không nhất thiết sẽ dẫn tới một cuộc xâm lược ngay lập tức, nhưng việc các ý định của Nga vẫn chưa rõ ràng là điều rất đáng lo ngại.
Hành động triển khai quân ở biên giới cũng như tại bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập giúp Nga có nhiều lựa chọn trong trường hợp nước này muốn leo thang. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn muốn duy trì sự khó đoán định và việc có những lựa chọn như vậy là rất quan trọng cho điều đó.
Kết quả là, mặc dù một cuộc chiến hoàn toàn "bất ngờ" là điều khó xảy ra, nhưng sẽ luôn có nguy cơ xảy ra tính toán sai hoặc phản ứng quá mức.
Các cuộc đàm phán hòa bình có thể là một lựa chọn, nhưng những nỗ lực do Pháp và Đức làm trung gian - được gọi là định dạng Normandy - đã đạt được rất ít tiến bộ trong những năm gần đây. Và các cuộc đàm phán mới dường như không phải là một giải pháp được đưa ra.
Văn phòng của ông Zelensky cho biết ông Zelensky đã gửi yêu cầu đàm phán với Tổng thống Putin vào cuối tháng 3 vừa qua, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời./.