Những lo ngại về kế hoạch khí đốt trị giá 220 tỷ USD của Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á đang mở rộng mạnh mẽ nhà máy điện chạy bằng khí đốt và tăng công suất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đe dọa quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực này.
(Nguồn: AFP)

Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi năng lượng toàn cầu (GEM), công bố ngày 30/5, thể hiện quan ngại việc các quốc gia Đông Nam Á có kế hoạch đầu tư tới 220 tỷ USD cho chương trình gia tăng nhanh chóng lượng khí đốt tự nhiên có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của khu vực.

Theo dữ liệu được tổng hợp bởi GEM, nếu các dự án trên được triển khai, công suất điện khí đốt của Đông Nam Á sẽ tăng thêm 100 gigawatt (GW), gấp đôi mức hiện tại và nâng lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của khu vực thêm 80%.

Bà Warda Ajaz, điều hành dự án Asia Gas Tracker của GEM cho biết nhu cầu năng lượng đang gia tăng trên khắp Đông Nam Á trong bối cảnh các nền kinh tế tăng trưởng, song tăng cường sản xuất khí đốt không phải là giải pháp lâu dài.

Bà nhấn mạnh phần lớn nhu cầu gia tăng năng lượng có thể được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo.

Những người ủng hộ khí đốt tự nhiên mô tả đây là loại nhiên liệu chuyển tiếp cho phép các nước đang phát triển tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không cần phải dựa vào than - nguồn năng lượng gây ô nhiễm và thải nhiều carbon hơn thải nhiều carbon hơn.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng tác động của khai thác khí đốt tự nhiên đến khí hậu cũng rất lớn, đặc biệt là khi khí methane - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2, phát thải vào khí quyển.

Năm ngoái, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, nhu cầu khí đốt tự nhiên cần giảm từ hơn 4.000 tỷ m3 trong năm 2022 xuống còn 3.400 tỷ m3 vào cuối thập niên này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục