Những nguyên nhân khiến chúng ta “bạc tóc” ngoài tuổi cao

Bên cạnh quá trình lão hóa tự nhiên, những yếu tố như gen di truyền, sự căng thẳng hay tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng... cũng là những nguyên nhân dẫn đến tóc bạc.
Ảnh minh họa. (TheCoolist)

Tóc bạc là hiện tượng tự nhiên đi kèm với quá trình lão hóa ở hầu hết mọi người. Đó là dấu hiệu rõ ràng của tuổi tác tăng cao, nhưng bạn đã bao giờ tò mò về những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này chưa?

Sự suy giảm dần dần của các tế bào sắc tố có trong nang tóc được cho là nguyên nhân khoa học của tình trạng này. Màu sắc tự nhiên của tóc chúng ta đến từ melanin - một sắc tố được sản xuất bởi các tế bào chuyên biệt gọi là tế bào hắc tố.

Những tế bào này truyền melanin vào tế bào tóc và xác định màu sắc tự nhiên của tóc như là vàng, nâu, đen hay đỏ. Khi chúng ta già đi, các tế bào hắc tố bắt đầu sản xuất ít melanin hơn khiến sắc tố tóc giảm dần và theo thời gian, một số nang tóc ngừng sản xuất melanin hoàn toàn dẫn đến sự phát triển của tóc có màu bạc hoặc trắng.

Các nhà khoa học tiết lộ một số “bí mật” dưới đây về nguyên nhân khiến tóc bạc:

Gen di truyền

Cấu trúc gen di truyền là yếu tố chính gây ảnh hưởng đáng kể tới thời gian và tốc độ của quá trình bạc tóc ở người. Trung bình trong một gia đình nếu cha mẹ bị bạc tóc sớm thì khả năng người con “thừa hưởng” tính di truyền đó từ cha mẹ là rất cao.

Mặt khác, một số gen chịu trách nhiệm điều chỉnh việc sản xuất melanin, các biến thể trong những gen này ảnh hưởng đến số lượng melanin do cơ thể chúng ta sản xuất và tốc độ suy giảm tế bào sắc tố trong nang lông theo thời gian.

Sắc tộc cũng đóng một vai trò nhất định trong khuynh hướng di truyền này. Do sự khác biệt trong quá trình sản xuất melanin mà những người có tông da sáng thường sẽ bị bạc tóc sớm hơn so với những người có tông da sẫm màu.

Sự căng thẳng

Sự căng thẳng không ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tượng tóc bạc nhưng tình trạng căng thẳng mãn tính lại có mối tương quan sâu sắc đối với quá trình này.

Mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được làm rõ nhưng căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, trong đó bao gồm cả tình trạng bạc tóc sớm.

Khi căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng các hormone như cortisol, loại hormone này khi được sản xuất quá mức trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của cơ thể.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự căng thẳng có thể phá vỡ các tế bào gốc melanocyte có vai trò sản xuất sắc tố tóc. Sự gián đoạn quá trình này sẽ làm giảm khả năng sản xuất melanin và gây ra tình trạng tóc bạc sớm.

Mặc dù căng thẳng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng bạc tóc, nhưng việc điều chỉnh mức độ căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn, thực hành chánh niệm và lối sống lành mạnh có thể gián tiếp giúp làm chậm quá trình này.

Thói quen hút thuốc

Hút thuốc là một trong những thói quen kém lành mạnh và gây ra tình trạng lão hóa sớm. Bên cạnh đó, các hóa chất có trong thuốc lá và chất độc mà chúng thải ra có thể gây hại cho cơ thể, bao gồm cả nang lông và sản xuất melanin.

Mặt khác, các thành phần có hại trong khói thuốc có khả năng gây ra stress oxy hóa, làm tổn thương tế bào và phá vỡ hoạt động bình thường của tế bào hắc tố, hạn chế quá trình sản xuất melanin và khiến tóc bạc sớm hơn.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng giàu chất dinh dưỡng thiết yếu là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe của mái tóc. Một số chất dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất melanin, sắc tố tạo nên màu tóc như vitamin B12,D,E, đồng và sắt.

Khi cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng này, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng của nang tóc, có thể dẫn đến thay đổi màu tóc.

Tình trạng sức khỏe

Một số tình trạng bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể nói chung và tình trạng tóc nói riêng, cần được các chuyên gia y tế tư vấn và điều trị.

Bệnh bạch biến: Tình trạng các mảng da bị mất tế bào hắc tố, dẫn đến các mảng trắng không đồng đều. Đôi khi bệnh bạch biến cũng có thể ảnh hưởng đến tóc, khiến tóc bạc sớm hoặc bạc trắng ở những vùng bị ảnh hưởng.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TheCoolist)

Rối loạn tự miễn dịch: Một số tình trạng tự miễn dịch tác động đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, gây tổn thương tế bào hắc tố hoặc cản trở hoạt động sản xuất melanin.

Rối loạn tuyến giáp: Là sự thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp đặc biệt là suy giáp, có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng cơ thể khác nhau bao gồm cả tình trạng tóc.

Tiếp xúc với chất ô nhiễm

Các chất ô nhiễm như khí thải xe cộ, chất ô nhiễm công nghiệp, kim loại nặng và một số chất hóa học có thể tạo ra stress oxy hóa, từ đó bào mòn các tế bào hắc tố trong cơ thể.

Việc tiếp xúc kéo dài với các chất ô nhiễm sẽ cản trở hoạt động sản xuất melanin của tế bào và khiến tóc bạc sớm hoặc mất đi sắc tố tự nhiên.

Do đó, giảm thiểu tiếp xúc với các chất ô nhiễm thông qua thay đổi lối sống, nói “không” với thuốc lá và sống trong môi trường lành mạnh sẽ giúp cải thiện vấn đề sức khỏe và làm chậm quá trình bạc tóc hơn.

Tuy nhiên, có một điều thú vị là tóc chúng ta không thật sự “biến thành” màu bạc mà chúng mọc ra từ chân tóc. Chính bởi vậy mà khi ta nhận thấy tóc bạc, đó là do các nang tóc mới đang sản sinh ra tóc mà không có sắc tố.

Để che giấu dấu hiệu lão hóa này chúng ta thường có xu hướng nhổ tóc bạc đi, nhưng chính thói quen xấu đó khiến cho nang tóc dễ dàng tổn thương và gây ra nhiều tác hại khác.

Mặc dù không có minh chứng khoa học nào cho việc hạn chế hoàn toàn tóc bạc mọc lên, song chúng ta có thể thay đổi lối sống hoặc phương pháp điều trị như dùng thuốc nhuộm tóc, thực phẩm bổ sung hoặc tập thói quen chăm sóc tóc cụ thể để làm chậm quá trình bạc tóc hoặc che phủ tóc bạc tạm thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục