Những rủi ro trên thị trường tài chính của việc Fed tăng lãi suất

Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong phiên họp ngày 15/6 phản ánh mức độ ngày càng cấp bách cần phải kiềm chế lạm phát của cơ quan này.
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times đánh giá việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong phiên họp ngày 15/6 phản ánh mức độ ngày càng cấp bách cần phải kiềm chế lạm phát của cơ quan này.

Tuy nhiên, động thái trên cũng làm gia tăng những rủi ro về sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thậm chí có thể rơi vào suy thoái.

Trước đó, Fed đã thông báo về kế hoạch tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng Sáu. Tuy nhiên, cơ quan này đã có lập trường mạnh mẽ hơn do số liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng Năm tính trên cơ sở hàng năm ở mức 8,6% - cao hơn đáng kể so với dự kiến.

[Chính sách lãi suất của Fed trước "lằn ranh đỏ" của kinh tế Mỹ]

Các quan chức của Fed cũng báo hiệu rằng họ đã bắt đầu đi trên con đường tăng lãi suất mạnh mẽ hơn trong tương lai, dự kiến lãi suất huy động vốn của Fed sẽ ở mức 3,4% vào cuối năm nay và tăng lên 3,8% vào năm 2023, so với dự đoán 2,8% hồi tháng Ba. Điều này cho thấy ít nhất Fed sẽ có một lần tăng 0,75 điểm phần trăm nữa.

Fed cũng đã bắt đầu thắt chặt định lượng, theo đó cơ quan này sẽ ngừng tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu, dẫn đến các điều kiện tài chính thậm chí còn thắt chặt hơn nữa.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những biện pháp này có thể không thành công trong việc kiềm chế lạm phát - vốn chủ yếu được thúc đẩy bởi những cú sốc về nguồn cung như giá năng lượng và thực phẩm cao, những sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Với cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và tình trạng sự phong tỏa ở Trung Quốc kéo dài, có nguy cơ lạm phát thậm chí còn tăng cao hơn nữa.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng những công cụ của Fed không thể giải quyết được các cú sốc về nguồn cung. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của cơ quan này nhằm chống lại lạm phát là thông qua việc giảm cầu.

Sau cuộc họp mới đây, ông Powell đã thừa nhận rằng việc giảm lạm phát mà không gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể là điều không dễ dàng hơn.

Và mặc dù ông tuyên bố rằng Fed “không cố gắng để dẫn đến suy thoái kinh tế ngay lúc này,” nhưng trong quá khứ, hầu hết các chu kỳ tăng lãi suất của Fed đều đã không thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không dẫn đến suy thoái. Vì vậy, đó rõ ràng là một rủi ro.

Ở bất kỳ mức độ nào, sự suy giảm kinh tế là điều chắc chắn. Fed đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Mỹ xuống còn 1,7%, từ mức 2,8% dự báo trước đó.

Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng có thể xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới, trong đó có châu Á, khu vực này cũng có thể tăng trưởng chậm hơn. Việc tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu ở hầu hết khắp mọi nơi.

Ngày 15/6, các thị trường chứng khoán đã tăng nhẹ sau 5 ngày giảm liên tiếp, sau khi ông Powell cho rằng mức tăng 75 điểm cơ bản sẽ không trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, với mức độ thắt chặt tài chính nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2023, các bên tham gia thị trường vẫn cần phải thận trọng.

Không giống như giai đoạn khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, lần này Fed không thể ra tay giải cứu thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục