Những thách thức cho 'thời đại Taliban' ở đất nước Afghanistan

Kể từ khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, giá cả hàng hóa liên tục tăng do tình hình an ninh hỗn loạn và việc vận chuyển tại sân bay quốc tế Kabul tạm thời bị đình chỉ.
Người tị nạn chờ được quay trở về nhà tại Kabul, Afghanistan ngày 4/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tạp chí Tri thức thế giới số 19/2021, Taliban ngày 7/9 tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời và công bố cơ cấu chính quyền của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, trong đó có danh sách 33 vị trí quan trọng trong chính phủ lâm thời.

Động thái này đã chấm dứt hơn ba tuần không có chính phủ tại Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul và đánh dấu chính thức bước vào “Thời đại Taliban."

Tuy nhiên, không như kỳ vọng, bộ khung chính phủ lâm thời Taliban vẫn chưa bao trùm một cách đầy đủ, và hiệu quả cầm quyền trong tương lai vẫn cần phải quan sát thêm. Cùng với đó, chính phủ lâm thời cần khẩn trương giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn.

Bộ khung chính phủ lâm thời chưa thể hiện được tính bao trùm

Việc thành lập một chính phủ bao trùm là sự mong đợi nhất trí của cộng đồng quốc tế và Afghanistan đối với Taliban.

Ngày 21/8/2021, cựu Phó tổng thống Abdullah Abdullah, cựu Tổng thống Hamid Karzai và lãnh đạo Đảng Hồi giáo Gulbuddin Hekmatyar đã cùng thảo luận với Taliban về vấn đề chính trị tương lai.

Về mặt quốc tế, các nước lớn như Mỹ và Nga, cũng như các nước trong khu vực như Iran và Pakistan, đã công khai bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Afghanistan tương lai có thể thể hiện sự bao trùm. Do đó, ngày 17/8, người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid tuyên bố rằng, Taliban không có ý định trả đũa đối thủ và cam kết sẽ thành lập một chính phủ bao trùm, hoan nghênh đại diện của tất cả các phe phái chính trị và mọi tầng lớp xã hội tham gia vào chính phủ mới.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ tích cực của Taliban, danh sách nhân sự chính phủ lâm thời do Taliban công bố không cho thấy sự bao trùm như mong đợi. Từ góc độ nhân sự, các phe phái khác nhau trong Taliban hầu như đã chiếm giữ các vị trí quan trọng.

Xét về thành phần dân tộc, nhân sự chính phủ lâm thời hoàn toàn không có liên hệ với cơ cấu dân tộc Afghanistan. Trong số 33 thành viên chủ chốt, phần lớn là người Pashtun và chỉ có 3 người không phải người Pashtun.

Trong số 4 dân tộc chính của Afghanistan, người Pashtun chiếm khoảng 42%, người Tajik chiếm khoảng 25%, người Hadza và người Uzbek mỗi dân tộc chiếm khoảng 10%. Rõ ràng, người Tajik và người Uzbek chiếm không đủ vị trí trong chính phủ lâm thời, và người Hazara không có đại diện.

Xét về giới tính, danh sách chính phủ lâm thời không phản ánh tính bao trùm về giới tính. Trong thời kỳ nắm quyền từ năm 1996-2001, Taliban đã đưa ra các chính sách không cho phép phụ nữ được đi học và đi làm, điều này đã gây tổn hại lớn đến quyền lợi của phụ nữ. Đây trở thành một trong những lý do quan trọng khiến xã hội dân sự ở Afghanistan và Mỹ kết hợp với phương Tây để chống lại Taliban. Do đó, lần này Taliban nhấn mạnh sẽ duy trì “quyền lợi của phụ nữ và người dân tộc thiểu số theo Luật Sharia."

Tuy nhiên, không có phụ nữ nào trong danh sách các quan chức chính phủ lâm thời. Có thể thấy rằng cam kết của Taliban trong việc xây dựng một chính phủ bao trùm vẫn chưa được thực hiện và cần phải theo dõi thêm trong tương lai. Trước những nghi ngờ từ cộng đồng quốc tế, người phát ngôn của Taliban phản hồi rằng danh sách được công bố hiện chỉ là danh sách nhân sự chính phủ tạm thời. Taliban vẫn đang đàm phán với các lực lượng chính trị khác, hoặc sẽ công bố danh sách nhân sự chính thức của chính phủ vào tháng 10.

Hàng loạt thách thức khi cầm quyền

 Đầu tiên, làm thế nào để giải quyết bất đồng nội bộ. Mặc dù Taliban là tổ chức chính trị quân sự có tổ chức và kỷ luật nhất tại Afghanistan, nhưng nội bộ không phải là một khối thống nhất. Có sự khác biệt rất lớn về hệ tư tưởng và cách thức lãnh đạo trong tương lai giữa ủy ban chính trị và ủy ban quân sự của lãnh đạo Taliban, và giữa các chỉ huy cấp cao với cấp trung và cấp dưới của Taliban.

Chẳng hạn, những người theo đường lối cứng rắn của Taliban kiên trì yêu cầu thực hiện chế độ cai trị thuần túy của Luật Sharia và tái thiết Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan theo một ý nghĩa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, những người theo phái ôn hòa đã hoạt động ở nước ngoài trong một thời gian dài và nhận thức rất rõ kỳ vọng và yêu cầu của cộng đồng quốc tế đối với Taliban, chủ trương thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với các vấn đề nêu trên.

Thứ hai, làm thế nào để lãnh đạo hiệu quả. Hiện tại, các nguồn lực ở Afghanistan bị thiếu hụt nghiêm trọng, khó có thể lạc quan vào triển vọng cầm quyền của Taliban. Một là, thiếu trầm trọng nguồn nhân tài trong quản trị đất nước.

Do gần như suốt 20 năm qua đều đấu tranh ác liệt với lực lượng an ninh của Mỹ và chính phủ Afghanistan trước đây, Taliban có một số lượng lớn nhân tài quân sự và chính trị. Tuy nhiên, để điều hành đất nước cần nhất là những người hiểu biết về quản trị xã hội và phát triển kinh tế, và đây chính là điểm yếu của Taliban.

Một số lượng lớn những người như vậy trước đây đã tập trung tại thủ đô Kabul, song hầu hết đã lựa chọn rút khỏi Afghanistan cùng với quân đội Mỹ do lo ngại về cục diện tương lai. Hai là, nguồn tài chính "giật gấu vá vai."

Nền kinh tế Afghanistan từ lâu đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và ngành dịch vụ sinh ra bởi sự hiện diện của một số lượng lớn quân đội nước ngoài, không có động lực và cơ cấu tăng trưởng kinh tế nội sinh. Khi Mỹ và các đồng minh rút quân khỏi Afghanistan, các nguồn viện trợ kinh tế từ phương Tây về cơ bản đã chấm dứt.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã phong tỏa gần 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Các quan chức Mỹ cho biết Taliban vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ và trong tương lai vẫn sẽ ngăn chặn Taliban rút tiền từ Mỹ thông qua bất kỳ hình thức nào. Ba là, tình trạng thiếu lương thực.

Kể từ khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, giá cả hàng hóa liên tục tăng do tình hình an ninh hỗn loạn và việc vận chuyển tại sân bay quốc tế Kabul tạm thời bị đình chỉ. Hiện tại, thực phẩm ở Kabul đang thiếu và giá cả vẫn ở mức cao.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo nếu không được hỗ trợ khẩn cấp và khôi phục kịp thời các kênh đầu vào nguyên liệu từ bên ngoài, Afghanistan sẽ bị khủng hoảng lương thực, thiếu nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện tỷ lệ các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Afghanistan rất cao, mà tỷ lệ người dân được xét nghiệm rất thấp, không loại trừ khả năng một đợt dịch mới bùng phát nghiêm trọng, thậm chí ngoài tầm kiểm soát.

Thứ ba, làm thế nào để cắt đứt mối quan hệ với các tổ chức khủng bố. “Phân định ranh giới” triệt để với chủ nghĩa khủng bố là một kỳ vọng quan trọng khác của cộng đồng quốc tế đối với Taliban.

[Tình hình Afghanistan: Ngổn ngang những nỗi lo hậu xung đột]

Tháng 6 năm nay, Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá rằng Taliban vẫn chưa dứt khỏi các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda. Các thủ lĩnh của al-Qaeda không chỉ còn hoạt động trong khu vực do Taliban kiểm soát, mà lãnh đạo cấp cao của hai bên vẫn duy trì liên lạc. Tất nhiên, để tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, lãnh đạo cấp cao của Taliban có động lực vạch ra ranh giới rõ ràng với các tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng lại gặp khó khăn lớn trong hành động thực tế.

Một nguyên nhân quan trọng là Taliban đã “sát cánh” với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda trong một thời gian dài, quan hệ của các thành viên giữa hai bên rất chặt chẽ, thậm chí đan xen với nhau, khó có thể nhanh chóng cắt đứt mối liên kết lịch sử được hình thành trong “tình hữu nghị thánh chiến” lâu dài.

Đồng thời, Taliban có một số hệ tư tưởng tương tự như các tổ chức khủng bố quốc tế này. Nếu lãnh đạo cấp cao của Taliban ép cấp dưới cắt đứt, có thể dẫn đến bất đồng nội bộ, thậm chí chia rẽ.

Cuối cùng là làm thế nào để xây dựng một môi trường bên ngoài tốt đẹp. Sau khi Taliban chính thức chuyển lực lượng đối lập vũ trang thành tổ chức cầm quyền, để được quốc tế công nhận, khôi phục sự phát triển của nền kinh tế trong nước và tranh thủ hỗ trợ và đầu tư quốc tế, Taliban tiếp tục bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với thế giới bên ngoài.

Ngày 17/8, người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid cho biết Taliban mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên để phát triển kinh tế và phát triển đất nước. Điều này cho thấy Taliban không muốn tự cô lập mình, nhận thức sâu sắc về nhiều nguy cơ mà chính quyền mới phải đối mặt. Tuy nhiên, để thực hiện không phải là chuyện dễ dàng.

Do danh sách chính phủ lâm thời không phản ánh được tính bao trùm, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến sự viện trợ và công nhận chính trị của cộng đồng quốc tế đối với Taliban, điều này liên quan đến việc chính quyền Taliban tương lai liệu có thể tạo ra môi trường quốc tế và xung quanh tốt đẹp hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục