Những thay đổi mang nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam tại Hong Kong

Những thay đổi về nới lỏng chính sách cấp thị thực làm việc của chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong hứa hẹn mang thêm nhiều cơ hội việc làm tại Hong Kong cho người lao động Việt Nam.
Tiến sỹ Thi Quốc Huy (đứng thứ 2 tính từ bên trái) cùng Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Lý Thục Huệ công tác tại khoa Hóa học thuộc trường Đại học Thành phố Hong Kong. (Nguồn: Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau giai đoạn “thu hút người tài” năm 2022, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu chuyển sang “giữ chân người tài,” với một trong những biện pháp quan trọng là nới lỏng chính sách cấp thị thực làm việc.

Đây là cách giúp Hong Kong giải bài toán “khát nhân lực” phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính quốc tế này.

Những thay đổi này hứa hẹn mang thêm nhiều cơ hội việc làm tại Hong Kong cho người lao động Việt Nam.

Theo thông báo của Cục Nhập cư Hong Kong, từ ngày 25/10/2023, công dân Việt Nam đủ điều kiện có thể nộp đơn xin nhập cảnh Hong Kong theo Chính sách việc làm chung (đối với chuyên gia và doanh nhân), Chương trình nhập cư chất lượng, Chương trình tuyển dụng nhân tài công nghệ, Chương trình dành cho thế hệ thứ hai của công dân thường trú ở Hong Kong và Chương trình tài năng xuất sắc.

Ngoài ra, công dân Việt Nam đủ điều kiện có thể đăng ký theo Chương trình sinh viên tốt nghiệp tại các trường GBA - sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy tại các trường đại học ở Khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau.

Đây là các trường được chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền Hong Kong đồng thành lập theo Quy định của Trung Quốc về hợp tác giữa Trung Quốc và bên ngoài trong quản lý và vận hành trường.

Người Việt Nam có thể tra cứu thông tin về các chương trình trên, bao gồm các tiêu chí đủ điều kiện và thủ tục nộp đơn, trên trang web của Cục Nhập cư tại www.immd.gov.hk.

[Đẩy mạnh kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong]

Cũng từ ngày 25/10, công dân Việt Nam thuộc một số đối tượng có thể nộp đơn xin thị thực nhiều lần lên đến 24 tháng và thời hạn lưu trú không quá 14 ngày mỗi lần nhập cảnh.

Điều kiện đăng ký bao gồm (a) người nộp đơn có nhu cầu thực sự đến Hong Kong thường xuyên; và (b) người nộp đơn đã đến Hong Kong từ 3 lần trở lên mà “không xảy ra vấn đề gì” hoặc từ 2 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trở lên trong 36 tháng qua; hoặc (c) người nộp đơn trước đó đã được cấp phép nhập cảnh ở Hong Kong để làm việc, đào tạo, cư trú hoặc học tập trong 24 tháng qua.

Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm (bên trái) trong cuộc làm việc với Cục trưởng An ninh Hong Kong Đặng Bỉnh Cường. (Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong)

Trước đó, du khách đến công tác hoặc du lịch chỉ được cấp thị thực nhập cảnh 1 lần, có giá trị lần lượt trong 14 ngày và 7 ngày.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm cho biết chính sách cấm lao động Việt Nam được duy trì từ nhiều thập niên qua là “điểm nghẽn” trong quan hệ hai bên.

Việc Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia bị hạn chế thị thực làm việc là không phù hợp về chính trị, cản trợ các cơ hội hợp tác, việc làm của người Việt Nam, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và doanh nghiệp Việt Nam do thủ tục thị thực phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ.

Chính vì thế, Tổng lãnh sự quán đã nỗ lực làm việc với các cơ quan chính quyền, các thành viên Hội đồng Lập pháp, các hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân có ảnh hưởng của Hong Kong để yêu cầu thay đổi, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý một số vấn đề tồn đọng mà phía Hong Kong quan tâm.

Sau cả quá trình vận động, đấu tranh, phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng của hai bên, Hong Kong đã chính thức mở thị thực lao động cho công dân Việt Nam, đồng thời mở thị thực 24 tháng nhiều lần cho doanh nghiệp và du khách Việt Nam có nhu cầu.

Sự thay đổi này một mặt đáp ứng nhu cầu về tìm kiếm, thu hút nhân tài của Hong Kong, mặt khác mở ra rất nhiều cơ hội về việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thuận lợi hóa đi lại cho giới doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Theo Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm, Hong Kong là trung tâm tài chính quốc tế đứng thứ tư toàn cầu, trung tâm thương mại và vận tải quốc tế, cũng là thành phố hội tụ nhiều trường đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Tại Hong Kong, người lao động Việt Nam có điều kiện được làm việc trong môi trường quốc tế cạnh tranh cao, điều kiện pháp lý tốt, thuế suất thấp, thu nhập cao.

Mặt khác, Hong Kong là nơi rất tốt để lao động Việt Nam nâng cao kỹ năng, phát triển bản thân, giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn về đào tạo nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế.

Các tài năng trẻ sau quá trình làm việc ở Hong Kong sẽ có sự trưởng thành và có các kỹ năng, đạt tầm vóc và trình độ quốc tế, đây là lực lượng mà các doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam rất cần trong những năm tới.

Ông Phạm Bình Đàm nêu rõ với sự thay đổi về mặt chính sách này, Tổng lãnh sự quán sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, các doanh nghiệp để thúc đẩy đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hong Kong trong lĩnh vực phù hợp mà Việt Nam có thể đáp ứng và phía Hong Kong có nhu cầu.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm trả lời phỏng vấn của TTXVN. (Ảnh: Mạc Luyện/TTXVN)

Bà Chu Khởi Bình, chuyên gia tư vấn nhân sự cấp cao, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Acts, đánh giá những năm gần đây Việt Nam có rất nhiều nhân tài về công nghệ thông tin, việc chính quyền Hong Kong nới lỏng chính sách thị thực là nhằm thu hút nhóm lao động chất lượng cao này.

Những người Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại đặc khu này cũng rất vui mừng với quyết định trên của chính quyền Hong Kong.

Tiến sỹ Thi Quốc Huy hiện đang công tác Đại học Thành phố Hong Kong (CityU) và Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) cho rằng chính sách thị thực mới sẽ khiến cơ hội việc làm của người dân Việt Nam rộng mở hơn. Người Việt Nam, nhất là sinh viên tốt nghiệp ở Hong Kong cũng dễ dàng hơn trong việc thay đổi chỗ làm mà không cần lo lắng vấn đề thị thực khi nghỉ việc ở chỗ cũ.

Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách thị thực cũng tạo cơ hội triển khai thêm hợp tác giáo dục nghiên cứu ngắn hạn giữa các trường đại học của hai bên. Sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp từ Hong Kong về Việt Nam cũng dễ dàng tạo cầu nối hợp tác giữa hai bên.

Theo Bác sỹ Nguyễn Hoàng Long, Nghiên cứu sinh tại Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK), việc Hong Kong thay đổi chính sách cấp thị thực cho công dân Việt Nam là một tiến bộ tích cực trong quan hệ giữa hai bên, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác kinh tế. Những chính sách mới này đã bước đầu loại bỏ những rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho một sự hợp tác toàn diện.

Hong Kong không chỉ được biết đến là một trung tâm tài chính sôi động của châu Á, mà còn nổi tiếng với hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới.

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Long cho rằng những chính sách này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hong Kong, khi có ngày càng nhiều nhân tài và lực lượng lao động chất lượng cao từ Việt Nam đến học tập và làm việc ở đây, góp phần vào sự phát triển của đặc khu này. Bên cạnh đó, việc mở rộng chính sách thị thực du lịch sẽ tạo động lực để thu hút nhiều du khách Việt Nam đến thăm quan và trải nghiệm Hong Kong trong tương lai.

Khảo sát do Phòng Thương mại Hong Kong (HKGC) thực hiện vào tháng 4/2023 cho thấy 74% số công ty được khảo sát đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao và hơn 80% trong số đó cho biết tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm. Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã cản trở các tài năng đến Hong Kong, việc di cư cũng dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Số liệu chính thức cho thấy dân số lao động của Hong Kong đã giảm hơn 100.000 người trong hai năm qua, từ 3,57 triệu trong quý 2/2020 xuống còn 3,46 triệu trong quý 4/2022. Hơn 70% số người rời đi là những nhân tài công nghệ cao có kinh nghiệm quản lý và chuyên môn.

Báo cáo chính sách điều hành do Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee) đọc trước Hội đồng Lập pháp ngày 25/10 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút nhân tài. Do đó, chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục thu hút, giữ chân người tài và bồi dưỡng các tài năng của bản địa. Các biện pháp được đưa ra vào năm 2022 nhằm thu hút đầu tư và nhân tài đã đạt được kết quả tốt. 

Tính đến cuối tháng 9, Hong Kong đã thu hút được khoảng 160.000 đơn đăng ký, trong đó hơn 100.000 đơn được phê duyệt và khoảng 60.000 người đã đến Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong cũng sẽ mở rộng danh sách các trường đại học theo “Chương trình nhân tài cao cấp”, theo đó bắt đầu từ tháng 11, danh sách các trường đại học đủ điều kiện sẽ tăng thêm 8 trường đại học hàng đầu trong và ngoài Hong Kong lên 184.

Sau 1 năm thực hiện và xem xét chính sách thu hút người tài, chính quyền Hong Kong đã chuyển từ giai đoạn thăm dò định hướng sang giai đoạn phản ứng chính xác, có sự điều chỉnh về các đối tượng và quốc gia thu hút người tài.

Ngày 30/10, "Văn phòng dịch vụ nhân tài" đã chính thức thành lập để hỗ trợ những người tài đến Hong Kong và theo dõi sự phát triển cũng như nhu cầu của họ. Hiện tại mức lương sau khi ra trường của sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hong Kong vào khoảng 20.000-30.000 HKD (khoảng 60-90 triệu đồng Việt Nam)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục