Những thuyết âm mưu lan truyền thông tin giả về virus corona

Tồi tệ không kém loại virus corona này chính là các thuyết âm mưu và thông tin giả đang khiến tình hình dịch bệnh trở nên xấu hơn.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới tại bệnh viện ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 1/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo mạng tin mashable.com, đã xuất hiện nhiều thuyết âm mưu nguy hiểm và khó hiểu trên mạng Internet liên quan tới virus corona gây chết người, trong khi các nhà chức trách trên toàn cầu đang nỗ lực hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus này.

Tính đến chiều 30/1, đã có hơn 7.700 trường hợp được xác nhận nhiễm virus này - vốn bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) - và khiến ít nhất 170 người chết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 18 quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, đã xác nhận có ca nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, tồi tệ không kém loại virus này chính là các thuyết âm mưu và thông tin giả đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mạng Internet tràn lan các thông tin sai sự thật về nguồn gốc của virus corona và cách để bảo vệ bản thân khỏi loại virus này. Một số thuyết âm mưu trong số này rất nguy hiểm, một số lại kỳ quặc, còn một số lại mang tính phân biệt chủng tộc rất rõ ràng.

Tất cả các thuyết âm mưu đó dường như được dựng lên để lợi dụng sự quan tâm rất lớn của mọi người về loại virus này.

Có rất nhiều thông tin xấu trên mạng Internet, tới nỗi Twitter đã bắt đầu ngắt các kết quả tìm kiếm để lọc các nội dung không đáng tin cậy về virus corona và Google đã triển khai "Cảnh báo SOS" để cung cấp các nguồn thông tin đáng tin cậy cho những người tìm kiếm thông tin về virus này.

Dưới đây là một vài trong số những "trò chơi khăm" đáng chú ý nhất về virus corona đang được lan truyền trên các mạng truyền thông xã hội và các nguồn tin bóc trần sự thật:

Thuyết Bill Gates

Thuyết âm mưu này cho rằng virus corona bằng cách nào đó lại thuộc sở hữu của Bill Gates và được phát tán vì những mục đích đáng ghê tởm.

[Chuyên gia dự đoán dịch virus corona sẽ lên đỉnh điểm trong 2 tuần nữa]

Ví dụ, một bài đăng trên Twitter có tới tận 1.000 lượt đăng lại chứa đường link dẫn tới một trang web, trong đó có chạy tít khẳng định rằng virus corona là "một loại virus đã được cấp bằng sáng chế" và Bill & Melinda Gates Foundation là "một trong số những chủ sở hữu đầu tiên."

Tweet này sau đó xoay hướng sang việc tự hỏi rằng liệu có phải "chính quyền ngầm" lan truyền virus này "để tạo ra hỗn loạn vì không có gì ngăn cản được Trump."

Theo Forbes, một thuyết âm mưu tương tự cũng lan truyền trên ứng dụng TikTok cuối tuần trước. Tất nhiên là Gates Foundation không tạo ra loại virus mà cái gọi là "chính quyền ngầm" sử dụng để lây bệnh cho người dân.

Như trước nay vẫn thế, trong thực tế bị bóp méo luôn có chút gì đó là sự thật. Trong vấn đề này, đúng là Gates Foundation đã giúp gây quỹ cho Viện Pirbright của Anh, nơi đang sở hữu một bằng sáng chế liên quan tới việc phát triển một loại virus corona bị làm suy yếu để có thể sử dụng làm vắc xin cho các loài chim hay các động vật khác nhằm tránh các bệnh dịch về đường hô hấp.

Viện này nói trong một tuyên bố: "Pirbright hiện không nghiên cứu các chủng virus corona ở người."

Ngoài ra, Gates Foundation tuyên bố hôm 26/1 rằng quỹ này sẽ quyên góp 10 triệu USD để chống lại dịch bệnh hiện nay.

QAnon khuyên mọi người uống chất tẩy trắng

Như Daily Beast đưa tin, những kẻ cuồng tin thuyết âm mưu cực hữu QAnon - một thuyết âm mưu hoàn toàn sai lầm và không đáng tin cậy tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump đang tìm cách phá hủy "chính quyền ngầm" bí mật và có quy mô lớn - đang thúc giục mọi người sử dụng "Dung dịch Chất khoáng Thần kỳ" (MMS) để bảo vệ bản thân trước virus corona.

Vấn đề là MMS về cơ bản là một chất tẩy trắng. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trong một tuyên bố hồi tháng 8/2019 đã cảnh báo: "Dung dịch Chất khoáng Thần kỳ và các sản phẩm tương tự không được FDA công nhận, và nuốt những sản phẩm này cũng giống như là uống chất tẩy trắng."

Thông tin giả mạo để lừa đảo tiền từ thiện

Một tổ chức phi lợi nhận của Mỹ dường như đã thu được một số tiền từ thiện một phần nhờ vào việc đăng tải những post gây chấn động trên Instagram về virus corona.

NBC News đưa tin rằng hai bài đăng trên Instagram về virus corona thu hút nhiều sự quan tâm nhất đều là từ Karmagawa, một tổ chức phi lợi nhuận tuyên bố rằng họ sẽ hiến số tiền thu được để làm từ thiện.

Các chuyên gia cảnh báo rằng những bài đăng kiểu này có thể kích động phân biệt chủng tộc và bài ngoại liên quan tới dịch bệnh này. 

Phân biệt chủng tộc 

Như phóng viên Caitlin Welsh của Mashable đã đưa tin, một bài đăng trên mạng xã hội đang được lan truyền nhanh chóng về các thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc liên quan tới virus corona, trong đó cho rằng một số món ăn của châu Á chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát tán.

Thông tin này thậm chí rất phổ biến ở Australia, cho dù sau đó nó đã bị bác bỏ nhiều lần.

Giả thuyết phòng thí nghiệm Canada

Một giả thuyết phổ biến khác liên quan tới phòng thí nghiệm vi sinh Winnipeg xử lý mầm bệnh nguy hiểm này.

Theo giả thuyết không đi kèm với bằng chứng cụ thể này, một nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại phòng thí nghiệm này đã mang virus corona về Trung Quốc hồi mùa Hè năm ngoái. 

Cơ quan Y tế Công cộng Canada nhấn mạnh với tờ National Post: "Thông tin này là sai lệch và không hề có bất kỳ căn cứ nào để chứng minh những gì đồn đoán trên mạng xã hội là thật."

Virus corona không phải là vũ khí sinh học 

Điểm chung của nhiều thuyết âm mưu về virus corona là chi tiết cho rằng chính phủ Trung Quốc đã phát triển thứ virus này như là một loại vũ khí. Theo giả thuyết về nhà khoa học kể trên, virus corona đã được mang về một phòng thí nghiệm được lưu giữ cẩn mật tại Vũ Hán, trước khi bị phát tán ra bên ngoài.

Tuy nhiên, trang mạng Politifact cho rằng giả thuyết này thiếu bằng chứng, và rằng "giới chức vẫn đang cố xác định nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, song chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đây là vũ khí sinh học."

Dẫu sao, những câu chuyện vẫn tiếp tục được thêu dệt và gây hoang mang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục