Những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Canada trong năm 2021

2021 là năm phải giải quyết hậu quả của một năm 2020 đầy biến cố, với một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Canada đó là đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bezinga)

Đối với các nhà lãnh đạo ở Canada cũng như trên toàn thế giới, 2021 là năm phải giải quyết hậu quả của một năm 2020 đầy biến cố, với một trong những ưu tiên hàng đầu đó là đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Năm 2021 cũng là thời điểm nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ có nhà lãnh đạo mới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ bị đánh bại trong một sớm một chiều.

Trong khi đó, thế giới đang chứng kiến những đổi thay lớn, đó là việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, là sự chuyển dịch của nền kinh tế sang không gian mạng và những tác động từ nỗ lực khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, theo chuyên gia chính trị Campbell Clark, trong khi cân nhắc các chính sách liên quan đến sức khỏe cộng đồng, nợ, thuế carbon và thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, Chính phủ Canada cần xét đến cả những đổi thay trên.

Canada không cần phải nhìn vào tương lai để xem điều gì có thể đến từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, khi họ đã chứng kiến hai công dân Michael Kovrig và Michael Spavor bị bỏ tù hơn hai năm ở Trung Quốc - một động thái được cho là để trả đũa vụ Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, theo đề nghị của Mỹ.

[Kinh tế Canada dự báo tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của 2021]

Canada cũng có thể “tham khảo” trường hợp Australia. Trung Quốc đã chặn nhập khẩu than của Australia, bất chấp thỏa thuận thương mại năm 2015.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra đã đưa ra yêu sách 14 điểm yêu cầu Australia phải tuân thủ nếu họ muốn có quan hệ tốt đẹp, trong đó có yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm thiết bị Huawei tham gia mạng 5G.

Khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một chính sách cứng rắn hơn, với tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống,” một số thành viên EU có quan hệ kinh tế gắn bó với Trung Quốc, trong đó có Hy Lạp, đã nỗ lực để ngăn chặn chính sách này.

Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia nhỏ để chia rẽ và thống trị. Vì vậy, liệu các quốc gia có hợp tác với nhau để kiềm chế Trung Quốc? Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden đã đề xuất một mặt trận chung.

Theo ông Campbell Clark, Mỹ có lẽ là quốc gia duy nhất có thể dẫn đầu một nỗ lực như vậy và thu hút được những nước khác tham gia. Nhưng một khối như vậy không thể chỉ dựa vào Mỹ.

Khối này sẽ yêu cầu các nước nhỏ hơn đồng ý đáp trả khi Trung Quốc sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị hoặc bắt giữ con tin nước ngoài - ngay cả khi điều đó sẽ có thể khiến Bắc Kinh trừng phạt các nước này để phá vỡ liên minh.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế đối với các gã công nghệ khổng lồ như Netflix, Facebook, Google hay Amazon, cũng sẽ là một thách thức đối với Chính phủ Canada. Nhiều quốc gia lo ngại rằng sự chuyển dịch của nền kinh tế sang Internet có thể khiến cơ sở thuế bị “bốc hơi.”

Giờ đây, nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát triển và rõ ràng là dựa vào những "cơ sở vô hình" mà không cần phải vận chuyển qua hải quan.

Các quốc gia không áp thuế tiêu thụ đối với các dịch vụ kỹ thuật số của nước ngoài, một ngày nào đó có thể sẽ phải chứng kiến nguồn thu thuế giảm mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland mới đây cho biết, nước này sẽ bắt đầu áp dụng thuế GST đối với hoạt động bán hàng này. Trong nền kinh tế kỹ thuật số, các quốc gia quan ngại về việc không thể đánh thuế đối với lợi nhuận của các tập đoàn khi các tập đoàn này cung cấp dịch vụ qua biên giới từ những nơi có mức thuế thấp.

Các cuộc đàm phán tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, gồm 37 quốc gia thành viên) về cách "phân chia" quyền tài phán áp thuế đối với những tập đoàn kỹ thuật số, đang bị đình trệ. Nếu mỗi nước áp thuế theo thiết kế của riêng mình, mà không có thỏa thuận quốc tế, thuế có thể được sử dụng như hàng rào bảo hộ và châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, "cuộc chiến" chính trị trong nước về thuế carbon và biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra ở Canada. Trên trường thế giới, các quốc gia đang bắt đầu suy nghĩ về cách họ có thể tính phí những nước đã không làm đủ để khử carbon trong nền kinh tế của mình.

EU đang xem xét các đề xuất về thuế điều chỉnh biên giới, theo đó sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được sản xuất trong môi trường có nhiều carbon để tránh kịch bản các công ty của EU bị thua thiệt trước các đối thủ cạnh tranh không phải chịu chi phí giảm phát thải tương tự. 

Tại Mỹ, nơi không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về chống biến đổi khí hậu, đã có một số đề xuất về thuế điều chỉnh biên giới được đưa ra trước Quốc hội.

Quốc hội Mỹ khó có thể nhanh chóng đạt được đồng thuận về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng có thể hiểu tại sao thuế điều chỉnh biên giới lại có sức hấp dẫn với lưỡng đảng, đó là do Mỹ có thể chuyển chi phí khử carbon từ các công ty trong nước sang công ty nước ngoài. 

Tuy nhiên, điều này không đơn giản. Người tiêu dùng cuối cùng phải trả một phần thuế quan. Và quá trình điều chỉnh rất phức tạp khi việc tính toán chính xác lượng carbon đối với một sản phẩm cụ thể là không thực tế.

Và có một vấn đề lớn khác, đó là khó có thể tìm ra cách để áp dụng thuế điều chỉnh biên giới mà không vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các mức thuế mới được coi là các biện pháp bảo hộ và việc áp đặt chúng cho phép các nước trả đũa bằng các biện pháp thương mại của riêng mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục