“TPBank đã qua giai đoạn chuyển đổi số, giờ là giai đoạn sáng tạo số,” ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) nói khi phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua.
Công nghệ và số hóa cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng để TPBank trở thành điển hình thành công nhất khi nhìn lại 10 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Dĩ nhiên, trước hết vẫn cần có nhà đầu tư đủ lực và tài để thúc đẩy quá trình 10 năm đó, nhất là khi ở một điểm xuất phát thấp hơn cả thấp.
10 năm về trước, TPBank thuộc danh sách 9 ngân hàng thương mại yếu kém được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ và yêu cầu tái cơ cấu bắt buộc.
[TPBank hướng tới mục tiêu lợi nhuận 8.200 tỷ đồng năm 2022]
Bên cạnh các cổ đông lớn đang đồng hành đến nay, Tập đoàn DOJI xuất hiện, tạo nhân tố mới và động lực mới, và cả nguồn “tiền tươi” cho tái cơ cấu.
Sau 6 năm tái cơ cấu, đến năm 2018, loạt nhà đầu tư lớn cùng tham gia rót vốn, cổ phiếu TPB của TPBank chào sàn HOSE. TPBank từng bước trở lại, thu hút thêm các nguồn lực mới, đặc biệt từ khối ngoại để nhanh chóng trở thành một ngân hàng mạnh. Đây cũng chính là điểm đầu tiên trong 5 điểm tạo nên khác biệt TPBank.
Khác biệt lớn so với nhiều ngân hàng thương mại khác, một thành viên yếu kém vừa tái cơ cấu thành công đã nhanh chóng tự tin chào sàn, nhưng đáng chú ý hơn ở loạt tên tuổi nhà đầu tư nước ngoài như IFC, PYN Elite Fund, SBI Holdings… cùng tham gia đầu tư. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TPBank nhanh chóng được lấp đầy.
Khác biệt này trở nên nổi bật khi nhiều ngân hàng thương mại khác của Việt Nam, với tuổi đời dày dặn hơn nhiều, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được, ngay cả với những kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng mạnh không có nghĩa phải đứng trên một quy mô hàng triệu tỷ đồng. Thay vào đó, một trong những thước đo chuẩn mực quốc tế mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang nỗ lực áp dụng những năm gần đây là Basel II. Và đến nay, trong khi nhiều thành viên vẫn đang hoặc chưa hoàn tất cấp độ này, TPBank đã đáp ứng được cấp độ cao hơn nữa với Basel III từ tháng 9/2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Đỗ Minh Phú cho biết cả chuẩn mực Basel III và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS9 đều đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận, cũng là cơ sở để TPBank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành năm qua.
Nếu các cấp độ Basel đã dần phổ cập tại Việt Nam, thì hiện chưa nhiều ngân hàng thương mại thực hiện được IFRS9 - một chuẩn mực quan trọng để thuận lợi hơn trong việc mở các cánh cửa gọi vốn quốc tế, để chủ động và đa dạng hơn cơ cấu nguồn cho phát triển bền vững…
Vậy vì sao TPBank nhanh chóng tạo được sức mạnh trên? Lý giải ở đây gắn với điểm thứ hai góp phần tạo nên khác biệt: công nghệ.
Ngay từ những ngày đầu tham gia tái cơ cấu TPBank, ông Đỗ Minh Phú đã nhấn mạnh đến giải pháp công nghệ, tạo chìa khóa quan trọng để rút ngắn khoảng cách đi sau nhưng sẽ về trước.
Quá trình chuyển đổi số tại TPBank được thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt, để rồi khi nhiều ngân hàng thương mại khác gấp rút chuyển đổi số thì “Ngân hàng Tím” đã bước sang giai đoạn sáng tạo số.
Chủ tịch TPBank cũng cho biết chính công nghệ và đẩy mạnh số hóa đã giúp ngân hàng gia tăng kết nối và tạo lập được nền tảng khách hàng lớn. Khi tái cơ cấu chỉ có 50.000 khách hàng, nhưng nay con số đã đạt trên 5 triệu.
Cho đến nay, TPBank đã số hóa toàn bộ các quy trình vận hành, triển khai 90% ngân hàng không giấy tờ (paperless) và ứng dụng RPA với gần 300 robot xử lý tự động hóa quy trình, thu thập dữ liệu, sẵn sàng cho vận hành ngân hàng theo mô hình Data-Driven…
Hiệu quả hoạt động nhanh chóng được thúc đẩy. Điển hình như ở tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từng trên 45% trước đây đã giảm xuống còn 33%, mức thấp so với các ngân hàng thương mại cùng quy mô. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE của TPBank đã vượt lên ở Top đầu hệ thống, lần lượt đạt 1,94% và 22,61% năm 2021.
Xác định công nghệ là chìa khóa rút ngắn khoảng cách và vượt lên từ điểm xuất phát thấp, TPBank đã đưa ra một sản phẩm có tính đột phá về mô hình hoạt động ngân hàng thương mại tại Việt Nam. LiveBank chính là điểm thứ ba để TPBank tạo nên khác biệt.
Xuất hiện năm 2017, TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai áp dụng hệ thống VTM (Video Teller Machine) với tên gọi LiveBank cho phép khách hàng giao dịch gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mở thẻ lấy ngay xác thực bằng khuôn mặt và vân tay… 24/7 mà không cần làm việc trực tiếp với nhân viên tại quầy.
Chỉ sau 3 năm đi vào vận hành, mô hình này đã cho thấy sự lợi hại vượt trội khi chỉ riêng sức huy động vốn và tạo kênh các giao dịch cơ bản đã ngang ngửa với cả một chi nhánh ngân hàng truyền thống.
Đến cuối 2021, TPBank đã có 400 “vũ khí” LiveBank, với bình quân 3.200 giao dịch/cây/tháng, trong khi giảm thiểu được tới 2/3 chi phí cho mỗi giao dịch so với thực hiện tại quầy.
Điểm quan trọng là, gắn với quan điểm mà ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu, LiveBank vừa khắc phục được áp lực chi phí nhân sự thường niên ở chi nhánh truyền thống, vừa giúp ngân hàng vượt qua được giới hạn để mở rộng thị trường khi cơ quan quản lý chỉ cho phép số lượng nhỏ chi nhánh/phòng giao dịch được mở mới hàng năm.
Đi đầu về số hóa, cũng như cụ thể những “vũ khí” như LiveBank giúp TPBank nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng, để từ đây gắn với điểm thứ tư tạo nên khác biệt: ngân hàng bán lẻ mạnh hàng đầu hệ thống ở nhiều phân khúc.
Từ nhiều năm trước, tại “Ngân hàng Tím” đã sớm triển khai ứng dụng robot và công nghệ để phê duyệt các khoản vay, tạo nên một trong những lợi thế để dẫn đầu hệ thống ở nhiều phân khúc, đặc biệt ở mảng cho vay mua ôtô tiêu dùng.
Và thế mạnh công nghệ cũng chính là yếu tố giúp TPBank giảm thiểu trở ngại không gian và địa lý để đẩy mạnh hoạt động phân phối bảo hiểm, đặc biệt trong những năm COVID-19 vừa qua…
Những mảng bán lẻ hàng đầu này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho đến nay, cũng như góp phần đưa một ngân hàng trẻ và vừa qua giai đoạn tái cơ cấu như TPBank nhưng đã nhanh chóng vươn lên đứng thứ 6 toàn hệ thống về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA, với gần 23% cuối năm 2021) trong cơ cấu.
Và khi tái cơ cấu thành công, bật mạnh và vươn lên hàng đầu hệ thống ở nhiều chỉ tiêu, thị trường và nhà đầu tư cùng hướng đến một thước đo, cũng là điểm thứ năm tạo nên khác biệt TPBank trong hệ thống, qua giá trị cổ phiếu TPB trên sàn niêm yết.
Năm 2021, cổ phiếu TPB của TPBank không những khác biệt mà còn tạo hiện tượng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán. Nếu như hầu hết các cổ phiếu trong ngành nói chung đều chứng kiến đà suy giảm và chật vật trong nửa cuối năm qua, thì TPB là cổ phiếu hiếm hoi nối vững đà tăng trưởng và đạt thị giá vượt trội ngay cả sau khi đã chia tách trả cổ tức.
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Đỗ Minh Phú cũng thẳng thắn rằng, giá cổ phiếu do thị trường quyết định và ngân hàng không thể “quản lý” được như ý muốn chủ quan mà cổ đông đề cập.
Điểm mà ông Phú cũng như Hội đồng Quản trị khẳng định được ở đây là làm sao hoạt động của TPBank giữ vững sức tăng trưởng, hiệu quả và đảm bảo các yêu cầu an toàn hoạt động.
Năm 2022, sức tăng trưởng đó đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ở chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận tăng 36% so với 2021, đạt 8.200 tỷ đồng; quy mô tổng tài sản 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Và đây là những chỉ tiêu chắc chắn sẽ đạt được, theo cam kết của Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú./.