Niềm hy vọng cho một kỳ tích chính trị mới của ông Lula da Silva

Nếu ứng cử viên của Đảng Lao động Brazil (PT) Fernando Haddad đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào ngày 1/1/2019, đây sẽ lại là một kỳ tích chính trị nữa của cựu Tổng thống cánh tả Lula da Silva.
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại một sự kiện ở Sao Paulo ngày 7/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của trang mạng americaeconomia.com, nếu ứng cử viên của Đảng Lao động Brazil (PT) Fernando Haddad bước lên bậc thềm Cung Planalto (Phủ tổng thống Brazil) tại Brasilia và đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào ngày 1/1/2019, đây sẽ lại là một kỳ tích chính trị nữa của cựu Tổng thống cánh tả Lula da Silva.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho vị cựu thị trưởng Sao Paulo đang ngày càng tăng, sau khi ông chính thức thay thế ông Lula - đang bị tù và bị các cấp tòa án Brazil bác quyền tranh cử.

Mặc dù có tỷ lệ ủng hộ thăm dò vẫn thấp hơn ứng cử viên cực hữu Jair Bolsonaro vài điểm phần trăm, song nhiều cuộc thăm dò khẳng định nếu bước vào vòng 2, ông Haddad sẽ giành chiến thắng do thu hút được nhiều phiếu bầu của các ứng viên khác (đã bị loại khi đó) và trung lập hơn người được mệnh danh “Donald Trump” của Brazil.

Năm 2010, ông Lula da Silva - chính trị gia có ảnh hưởng nhất trên chính trường Brazil trong vòng 2 thập kỷ qua - đã thành công trong việc đưa người kế nhiệm được mình chọn lựa là bà Dilma Rousseff đến với chức tổng thống, bất chấp khi đó bà chỉ là một nhà kỹ trị không có chút kinh nghiệm chính trị tranh cử nào.

Tương tự, ông Fernando Haddad cho tới nay cũng có hồ sơ bầu cử không mấy ấn tượng: mới chỉ 2 năm trước, “người Mohica cuối cùng”của PT trong cuộc đua tổng thống hiện tại đã thất bại trong nỗ lực tái cử chức Thị trưởng Sao Paulo, với tỷ lệ ủng hộ nghèo nàn ở mức 16%.

Những người kế nhiệm khả thi khác của ông Lula trong chính đảng do ông thành lập giờ đây đều bị liên đới tới các cáo buộc tham nhũng hoặc đơn giản là đã từ bỏ PT.

[Ứng viên thay thế cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva bắt đầu tăng tốc]

Ông Lula vẫn duy trì được sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ của mình và nếu được tranh cử, sẽ dẫn đầu với khoảng từ 30-40% số phiếu bầu. Giờ đây, nếu ông Haddad thuyết phục được phần lớn lượng cử tri tiềm năng của Lula trong khoảng thời gian tranh cử ít ỏi khoảng 1 tháng của mình, ông sẽ chuyển mình từ vị thế kẻ thất bại thành một người chiến thắng ở tầm cao hơn.

Sau thất bại bầu cử hơn 2 năm trước, người con của một gia đình nhập cư gốc Liban này nổi lên trước hết qua những suy ngẫm phê bình sai lầm của chính PT. Trong 13 năm cầm quyền (2003-2016), các chính phủ của PT nổi bật với thành tích giúp nhiều triệu người Brazil thoát nghèo và đi lên trong bậc thang xã hội.

Với cương vị là Bộ trưởng Giáo dục dưới thời cả Lula lẫn Dilma (2005-2012), ông Haddad cũng là người đóng góp nhiều vào những thành tích đó. Thế nhưng, những bê bối tham nhũng trong những năm vừa qua giờ đây đã trở thành cột trụ chính trong các bài diễn văn của ông: một sự đổi mới về đạo đức tầng lớp chính trị hiện đã tha hóa.

“Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình” là câu nói quen thuộc của Haddad trong các lần trả lời phỏng vấn hoặc trò chuyện với báo chí. Tuy nhiên, nhiều “đồng chí” trong đảng của ông không thích lập trường này.

Trên thực tế, Haddad từng bị coi như kẻ “chầu rìa” trong PT và thuộc về trường phái thiểu số “Thông điệp tới Đảng” nhằm tìm kiếm một sự đổi mới về đạo đức trong nội bộ, vốn đối chọi với phái “Xây dựng Brazil mới” chiếm đa số và nắm thực quyền trong Đảng, bao gồm cả chính ông Lula. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính nghị viện chống lại cựu Tổng thống Dilma Roussef vào giữa năm 2016, trường phái đa số này chuyển sang quan điểm dân túy hơn, tạo ra hình ảnh PT như nạn nhân của một cuộc đảo chính bất hợp pháp cũng như án phát 12 năm tù giam bất công đối với ông Lula.

Tháng 1/2018, tòa phúc thẩm Brazil tái khẳng định án phạt dành cho ông Lula với các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng, chính trị gia tả khuynh này bắt đầu chịu án tù từ tháng 4/2018 và bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ luật sư và PT, ông vẫn không ra được khỏi xà lim và bị tự chối quyền tranh cử.

Lula thậm chí từng công khai nói tới khả năng kêu gọi tẩy chay bầu cử, và việc ông Haddad giờ đây được mở đường thênh thang nói cách khác là ông Lula phải chấp nhận buông bỏ mọi khả năng tranh cử tổng thống có thể còn đau đớn hơn cho ông so với việc bị bắt giữ; và ông cũng đã buộc phải từ bỏ khẩu hiệu đấu tranh “một cuộc bầu cử không có Lula là sự gian lận."

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ông Haddad là cải thiện hình ảnh. Mặc dù là nhân vật tranh cử số 2 của PT, nhưng cho tới trước khi chính thức thay thế ông Lula, nhiệm vụ chính trị chủ yếu của ông Haddad là công bố các bức thư mà người sáng lập PT viết ở trong tù và tên tuổi ông cũng chỉ được biết tới chủ yếu tại Sao Paulo.

Giờ đây, niềm hy vọng của PT phải nhanh chóng chinh phục Brasilia trong thời gian ngắn và thậm chí cả tại vùng Đông Bắc, khu vực nghèo đói nhất Brasil và cũng là cơ sở cử tri chủ chốt của PT nhưng tại đó, đa phần người dân thậm chí còn chưa quen với họ gốc Liban của ứng viên 55 tuổi này, và thường gọi ông chệch thành “Andrade” (một tên phổ biến tiếng Bồ Đào Nha).

Bên cạnh đó, Haddad cũng phải đổi mới hình ảnh “trầm lặng” như từng được biết tới trong thời gian ông cầm quyền tại Sao Paulo, một đặc tính khá ít lôi cuốn tại một đất nước nổi tiếng với tính cách sôi động như Brazil.

Bên cạnh đó, người ta còn được biết ông là một tay chơi guitar điện tử, luôn đi làm bằng xe đạp hoặc xe buýt, ít khi bốc đồng ra khỏi trạng thái trầm tĩnh, tôn trọng các đối thủ chính trị và đôi khi có các ý tưởng tân tiến nhưng không hợp lòng dân: ý tưởng xây dựng các làn riêng cho xe đạp trên các đường phố của Sao Paulo của ông từng được nhiều nhà sinh thái ca ngợi, nhưng cũng khiến ông mất đi sự ủng hộ của dân chúng tại một thành phố đông đúc, chật chội và khá hỗn loạn trong giao thông.

Một thách thức khác của ông Haddad là ra khỏi khoa học chính trị để bước vào cuộc sống thực tế. Ngay trong nội bộ PT, nhiều người từng chỉ trích Haddad là quá biệt lập và quá hàn lâm để thành một chính trị gia: trong khi Lula trở thành diễn giả quần chúng luôn làm bùng nổ cảm hứng của các đám đông trong thời kỳ hoạt động công đoàn thì Haddad hầu như trải qua cả đời mình trên các giảng đường.

Ông có bằng luật, kinh tế và bằng tiến sỹ triết học, và điểm mạnh của ông là các nhà tư tưởng người Đức như Karl Marx hay Jurgen Hebermas, còn trường phái Frankfurt là niềm đam mê của ông. Haddad từng xuất bải những nghiên cứu chính trị về chủ nghĩa xã hội và Liên Xô. Tuy nhiên, có lẽ từ giờ, ông sẽ phải gạt bớt sang một bên những nghiên cứu hàn lâm đó và áp dụng chúng vào thực tế với hiệu quả và niềm hào hứng cao hơn.

Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Brazil sẽ diễn ra vào ngày 7/10 tới, nhưng khó có ứng viên nào đạt 50% số phiếu bầu và do đó, cuộc chiến thực sự của Haddad và PT sẽ là vòng 2 diễn ra sau đó 3 tuần.

Tuy nhiên, không chỉ trong cuộc đua trước mắt, câu hỏi nên có là những thách thức nào sẽ chờ đợi ông trên cương vị tổng thống? Liệu ông có thoát được khỏi chiếc bóng bao trùm của Lula hay chỉ là một con rối? Liệu Lula có cầm quyền từ trong tù với sự giúp đỡ của Haddad không? Và chắc chắn, nếu đắc cử, thì ngay từ ngày đầu trên cương vị mới, ông đã phải chịu một sức ép lớn là giải phóng cho Lula: sức ép từ nội bộ PT sẽ gia tăng mỗi ngày khi mà thủ lĩnh tối cao của đảng còn ngồi trong tù dưới chính quyền do "con trai chính trị" của ông kiểm soát. Một điểm gở cho một nhiệm kỳ tổng thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục