Niềm vui của những người con được trở về quê hương đón Tết

Những người dân đang sống và làm việc trên đất nước Triệu voi đều mong mỏi được trở về quê hương sum họp với gia đình và đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Quang cảnh một góc bến xe phía Nam thủ đô Vientiane chiều cuối năm. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Lào-Việt Nam là hai nước núi sông liền một dải với hơn 2.000km đường biên giới nên việc di chuyển bằng phương tiện đường bộ là khá thuận lợi.

Trong những ngày giáp Tết cổ truyền của Việt Nam, những người dân đang sống và làm việc trên đất nước Triệu voi đều mong mỏi được trở về quê hương sum họp với gia đình và đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Trong cái nắng vàng nhạt của một buổi chiều cuối năm, tại bến xe phía Nam thủ đô Vientiane, lần lượt các xe tuk tuk, bán tải... chở hành khách xuống bến. Đa phần đây là những người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc từ nhiều nơi trên đất nước Lào xinh đẹp, trong đó có không ít người đã rất lâu rồi chưa được về quê hương ăn Tết.

Bước xuống xe cùng vợ và 3 người con, anh Nguyễn Thế Vinh một người đã người đã sinh sống ở thủ đô Vientiane được hơn 20 năm nhanh tay xếp những những chiếc vali cỡ lớn xuống và kéo về gần phía nhà xe.

Đã hơn hai năm rồi gia đình anh không được trở về quê hương ăn Tết cùng với gia đình tại Hà Nội. Những đứa trẻ của anh chị cũng từng ấy năm chúng chưa được về Việt Nam ăn Tết cùng ông bà, mặc những bộ quần áo đẹp và nhận những bao lì xì đầu năm.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, anh Vinh cho biết: “Khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát và mọi thứ được trở lại bình thường cũng là lúc tôi và các thành viên trong gia đình nhỏ được trở về Việt Nam sum họp, quây quần đón Tết.”

[Mang Tết đến cùng bà con gốc Việt ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia]

Bé Nguyễn Thế Quân, con anh Vinh bày tỏ: “Con cảm thấy rất vui vì sắp tới con được về Việt Nam ăn Tết và được nhận lì xì.”

Lúc lên xe, chị Nga vợ anh Vinh thì không quên dặn dò: "Các con phải ngoan, ngày mai là chúng ta được về ăn Tết và đoàn viên với ông bà ở Hà Nội rồi."

Anh Vinh kể, để mua được vé về Việt Nam, anh chỉ cần điện trước cho nhà xe là đã có chỗ, vé xe năm nay không khó đặt.

Anh Lê Văn Bốn, đại diện nhà xe Hoàng Giang, tuyến Vientiane-Hà Nội cũng cho biết, để tạo điều kiện cho bà con ở Lào về quê ăn Tết, nhà xe đã tăng thêm chuyến so với ngày thường và giá vé thì vẫn giữ nguyên ở mức 800.000 VND. Dự kiến chuyến xe cuối cùng từ Lào về Việt Nam là 19/1 (tức ngày 28 tháng Chạp Âm lịch). 

Càng về chiều lượng khách đổ về bến xe càng đông, khoang chứa hành lý hay trên các nóc xe ngày một đầy. 18 giờ xe mới xuất phát nhưng đa phần mọi người đã tập trung về bến từ trước đó 2 giờ đồng hồ.

Có mặt từ sớm và đã gửi xong hành lý, chị Phạm Thị Hà Ny, người Huế, đi cùng với cậu con trai 3 tuổi chia sẻ, hơn 10 năm ở thủ đô Vientiane, chị chưa có điều kiện để về quê ăn Tết.

Sinh con đúng vào giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, chị không thể về Việt Nam. Năm nay chị rất vui vì là lần đầu tiên chị cho con trai về quê hương để sum họp và đón Tết cùng với ông bà.

Đứng xếp hàng chờ bên cạnh xe trong tâm thế sẵn sàng, anh Nguyễn Tiến Huệ cho biết, đã 3 năm anh chưa được về quê ăn Tết. Anh thấy vui và hồi hộp muốn nhanh chóng được trở về quê hương đoàn tụ gia đình, được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc Tết Việt do mẹ anh nấu.

Khi ánh đèn điện được bật hết lên là lúc những hành khách đã lên xe và yên chỗ của mình. Mỗi người ở mỗi tỉnh khác nhau nhưng khi ngồi chung trên một chuyến xe, tất cả đều có cùng một cảm xúc vui mừng và mong cho thời gian trôi nhanh để sớm được về sum vầy bên gia đình.

Được trở về đoàn tụ với gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về là niềm mong ước của những người con đang sống và làm việc ở xa quê hương. Bởi Tết là sum vầy, Tết là đoàn viên và Tết là để trở về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục