Theo số liệu thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nợ công của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đã tăng lên trong đại dịch COVID-19 và vượt 4.000 tỷ USD.
Mức nợ đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020, khi các quốc gia phản ứng nhằm tăng cường hệ thống y tế công cộng, hỗ trợ các gia đình và bảo vệ cơ cấu sản xuất, dẫn đến thâm hụt tài chính kỷ lục.
Ngay trong thập kỷ trước, sự kết thúc của siêu chu kỳ nguyên liệu thô (xuất khẩu mạnh đã hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực) và sự tăng trưởng chậm lại, cùng với thâm hụt tài chính cao và kéo dài, đã dẫn đến mức nợ công khu vực không ngừng gia tăng.
Thống kê cho thấy nợ công trong khu vực đã tăng từ 2.440 tỷ USD năm 2010 lên 3.520 tỷ USD vào năm 2019 và đến cuối năm 2022 lên tới 4.010 tỷ USD.
Những con nợ lớn nhất là Brazil với 1.840 tỷ USD và Mexico với 950 tỷ USD. Sự gia tăng này diễn ra phổ biến và vào năm 2022, 19 trên tổng số 33 quốc gia trong khu vực có mức nợ công tương đương 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở lên, so con số 9 quốc gia vào năm 2010.
Trong số đó, 12 nước ghi nhận mức nợ từ 80% GDP trở lên, so với 5 nước vào năm 2010. Mức tăng nợ công lớn nhất trong giai đoạn 2010-2022 được ghi nhận ở Venezuela, Suriname, Bahamas, Bolivia và Argentina.
Ngược lại với xu hướng chung trong khu vực, mức nợ công đã giảm ở Belize, Grenada, Guyana, Jamaica và Saint Kitts và Nevis.
Hai quốc gia sau cùng trong danh sách trên đã thực hiện hợp nhất tài chính quy mô lớn trong bối cảnh có các thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo UNCTAD, nợ nước ngoài hiện là nguồn tài chính ngày càng quan trọng cho các hoạt động của chính phủ ở một số quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe.
Tại một nửa số quốc gia trong khu vực, nợ nước ngoài đã tăng từ 17,5% GDP lên 30,3% GDP trong giai đoạn 2010-2021, và mức tăng này đã đặt gánh nặng lớn hơn lên nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu.
Cùng giai đoạn này, tỷ lệ giữa nợ công nước ngoài và xuất khẩu đã tăng từ 74% lên 114,3%. Xu hướng ngày càng xấu đi này cảnh báo rằng các nước đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đối ngoại với năng lực xuất khẩu hiện tại của mình.
UNCTAD cảnh báo xu hướng nợ công này sẽ làm gia tăng các thách thức phát triển đối với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe vào thời điểm khó khăn hiện tại./.
Một loạt dự báo ảm đạm đối với nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh
Báo cáo quý 2 của Banxico đưa ra kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh trong năm 2024 sẽ ở mức thấp nhất là 1,1% và cao nhất là 1,9% và trung bình là 1,5%.