Phóng viên TTXVN tại Italy trích dẫn báo cáo mới công bố của Ngân hàng nhà nước Italy (Bankitalia) cho biết, nợ công của nước này trong tháng 1/2014 đã lên mức kỷ lục 2.100 tỷ euro, cao hơn 20,5 tỷ euro so với thời điểm kết thúc năm 2013.
Hiện tại, nợ công của Italy đã vượt mức 130% GDP, cao thứ nhì trong Liên minh Châu Âu (EU), chỉ sau Hy Lạp.
Theo nhật báo kinh tế Mặt trời 24 giờ, báo cáo về nợ công này của Bankitalia giống như một hồi chuông gióng lên, nhắc nhở chính phủ mới của Thủ tướng Matteo Renzi về việc phải tiếp tục theo đuổi con đường cải cách kinh tế, nhằm đưa đất nước khỏi cuộc suy thoái kéo dài từ năm 2008 đến nay.
Nhật báo này cho rằng, nợ công đang trở thành một gánh nặng lớn cho đất nước và là hậu quả của nhiều năm tháng chi tiêu quá phung phí và thiếu hiệu quả của một loạt các chính phủ tiền nhiệm.
Hôm 13/3, chính phủ mới đã đưa ra gói các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế nước này, đưa đất nước ra khỏi cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II.
Trong gói các biện pháp này có việc cắt giảm thuế trị giá 10 tỷ euro cho những người có thu nhập dưới 1.500 euro/tháng, đồng thời chuẩn bị đưa ra gói cải cách về thị trường lao động và việc làm.
Theo gói biện pháp mới, chính phủ sẽ không tăng thuế của người giàu và cách doanh nghiệp mà giảm thuế cho họ, đồng thời cắt giảm các khoản chi tiêu công. Chính phủ cũng quyết định sẽ bán đấu giá 1.500 xe công để trừ vào nợ công.
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta cũng đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tư hữu hóa một loạt các tập đoàn nhà nước để lấy tiền bù vào trả nợ công.
Luật ngân sách 2014 của Thủ tướng Enrico Letta, được thông qua trước khi chính phủ của ông đổ vào tháng 2/2014, được Ủy ban về tài chính và tiền tệ của EU theo dõi "với sự quan tâm đặc biệt," theo lời của Ủy viên Olli Rehn của Ủy ban này, dù đã đưa ra một chương trình nhằm cắt giảm thuế và tăng cường đầu tư nhằm vực dậy nền kinh tế nước này.
Theo ông Rehn, Italy cần phải tôn trọng quy định về mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP, cố gắng cân bằng ngân sách và tuân thủ các yêu cầu gắt gao của EU về nợ công. Ủy ban này mới đây cũng tuyên bố rằng, EU tỏ ra "lo ngại" rằng, các biện pháp đưa ra trong luật ngân sách này không thể giúp Italy giảm được nợ công.
Hôm 13-3, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã chỉ trích Italy không có những "tiến bộ cần thiết theo quy định của Ủy ban Châu Âu" trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 3% GDP năm 2013 xuống còn 2,6% trong năm nay.
ECB hối thúc chính phủ của Thủ tướng Renzi phải nhanh chóng thực hiện "những bước cần thiết" để cắt giảm thâm hụt, đồng thời có giải pháp thích hợp nhằm giảm nợ công.
Hiện Italy đang trong cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 12,9%, tính đến tháng 1-2014./.