Nối vi phẫu toàn bộ da đầu cho cô gái bị tai nạn lao động

Thời điểm nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân bị lóc gần như hoàn toàn da đầu, lộ toàn bộ xương sọ, mất một phần vành tai bên trái. Kết quả chụp CT và MRI không ghi nhận tổn thương sọ và nội sọ.
Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành nối vi phẫu toàn bộ da đầu bị lóc của bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 20/2, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu nối vi phẫu (kỹ thuật khâu nối các mạch máu nhỏ) toàn bộ da đầu bị tróc cho một phụ nữ sau tai nạn lao động.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật ghép nối thành công cho một trường hợp bị lóc toàn bộ da đầu do tai nạn lao động.

Tiến sỹ, bác sỹ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 18/1, Bệnh viện tiếp nhận chị K.O (28 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) trong tình trạng bị tróc toàn bộ da đầu.

Theo lời kể của nạn nhân, sáng cùng ngày, khi đang làm việc trong công ty, chị vô tình cúi người về phía trước thì bị lực hút của máy kéo sợi cuốn tóc khiến cho toàn bộ da đầu bị tróc rời.

Sau khi tai nạn xảy ra, người bị nạn được đưa đến 2 bệnh viện sơ cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thời gian này, các đồng nghiệp đã lấy mảng da đầu bị lóc của nạn nhân bỏ vào túi nylon chứa trong thùng đá mang theo để các bác sỹ xử trí.

Thời điểm nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân bị lóc gần như hoàn toàn da đầu, lộ toàn bộ xương sọ, mất một phần vành tai bên trái. Kết quả chụp CT và MRI không ghi nhận tổn thương sọ và nội sọ.

Tuy nhiên, do toàn bộ da đầu đã bị tróc nên nạn nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nối vi phẫu lại mảnh da đầu bị đứt rời.

Nữ bệnh nhân hồi phục sau khi được nối vi phẫu toàn bộ da đầu. (Ảnh: TTXVN phát)

“Vì các mạch máu nuôi da đầu đã dập nát nên việc bảo tồn da đầu cho nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi vi phẫu, chúng tôi mất nhiều thời gian để xử trí mảng da đầu rời, rửa sạch, làm sạch tóc. Ca mổ kéo dài 4,5 giờ đồng hồ, êkíp phẫu thuật đã tìm kiếm và nối các động tĩnh mạch rất nhỏ trên da đầu dưới kính hiển vi điện tử,” bác sỹ Hiệp chia sẻ.

Sau mổ, ban đầu da đầu nạn nhân hơi tím do có sự tắc nghẽn nhẹ và được xử trí bằng thuốc kháng đông. Hậu phẫu 1 tuần, vết thương ở da đầu dần phục hồi, việc tưới máu tốt. Một tháng sau mổ, vành tai bên trái gần như được nối lại hoàn hảo, sức khỏe nạn nhân ổn định.

Theo bác sỹ Hiệp, rất may mắn là bệnh nhân đã được xử trí ban đầu và sơ cấp cứu tốt, chuyển viện nhanh trong khung giờ vàng (6-8 giờ đầu sau tai nạn).

Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 8-10 trường hợp bị tróc da đầu. Trong đó, nhiều trường hợp ở các địa phương khác, không được sơ cứu đúng cách và đem đến bệnh viện trễ khiến việc điều trị thất bại.

Các bác sỹ cảnh báo, người dân cần chú ý đến việc trang bị đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn khi lao động, sản xuất. Đặc biệt, phụ nữ cần chú ý cố định tóc dài khi làm việc hay sinh hoạt tránh để xảy ra các tai nạn đáng tiếc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục