Nước Mỹ có thể gắn kết với thế giới bằng cách nào?

Khảo sát của Hội đồng Chicago mô tả chi tiết cách người Mỹ muốn được gắn kết: thông qua một liên minh mạnh mẽ, duy trì sức mạnh quân sự, thương mại gia tăng, hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền.
Quang cảnh bên ngoài Nhà Trắng ở Washington DC., Mỹ ngày 5/8/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong bài viết “Làm cho nước Mỹ an toàn trở lại,” Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại Justin Logan và nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại A. Trevor Thrall của Viện Cato đã đưa ra những ý tưởng về sự gắn kết chính sách đối ngoại và can thiệp quân sự.

Khi làm như vậy, họ sẽ rơi vào cái bẫy giống như giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Mỹ, những người mà họ không mấy ưa thích.

Hai chuyên gia viết: “Công chúng Mỹ không từ chối bất kỳ ý tưởng rút lui nào. Mặc dù về mặt lý thuyết, họ thích sự gắn kết với quốc tế, song công chúng lại thể hiện sự thiếu nhiệt tình đối với nhiều lĩnh vực trong chính sách đối ngoại gần đây.

Hơn nữa, phần lớn sự bất mãn đó liên quan đến yếu tố quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại: cụ thể là các cuộc chiến tranh hậu 11//9 không có hồi kết và cực kì tốn kém đang diễn ra trên toàn cầu.”

Sự gắn kết quốc tế không chỉ dừng lại với việc can thiệp quân sự và các cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan.

Thật vậy, đó là một luận điểm trong báo cáo “Từ chối rút lui” được rút ra từ cuộc khảo sát năm 2019 do Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago thực hiện nhắm mục tiêu vào những lời chỉ trích của ông Logan và ông Thrall.

Ngày nay, người Mỹ không chỉ ủng hộ việc “Mỹ thực hiện một vai trò tích cực trong các vấn đề thế giới” đạt mức cao kỷ lục (69%), mà họ còn hiểu rằng sự gắn kết tích cực đó liên quan nhiều đến việc can thiệp quân sự.

[Mỹ đưa nhiều vũ khí hiện đại tới căn cứ không quân tại Iraq]

Cuộc khảo sát đặc biệt yêu cầu những người tham gia chọn lựa từ một danh sách các vấn đề tiềm năng mà họ muốn bao gồm hoặc loại trừ trong định nghĩa của riêng họ về sự “gắn kết tích cực của Mỹ.”

Đứng đầu danh sách gồm thương mại quốc tế (85% chọn bao gồm), cung cấp viện trợ nhân đạo (83%), thúc đẩy dân chủ và nhân quyền (82%) và sử dụng binh lính Mỹ để bảo vệ các đồng minh (81%).

Đa số cũng chọn nên bao gồm việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, cung cấp viện trợ kinh tế, trừng phạt các quốc gia khác, đóng quân ở các nước đồng minh, thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chống lại những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố ở nước ngoài, tăng chi tiêu cho quốc phòng và tăng chi tiêu cho các chương trình ngoại giao.

Cuộc khảo sát trong nhiều năm của Hội đồng Chicago chứng minh rằng công chúng Mỹ ủng hộ các liên minh, thương mại quốc tế và duy trì một lực lượng quân đội mạnh mẽ - mặc dù chủ yếu là vì mục đích răn đe.

Trên thực tế, sự ủng hộ của công chúng Mỹ trong cuộc thăm dò suốt nhiều thập kỷ qua dành cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các liên minh quân sự và thương mại chưa bao giờ cao hơn.

Đa số lớn nhất (73%) nói rằng NATO vẫn cần thiết đối với an ninh của Mỹ, với mức phần trăm cao nhất mọi thời đại được ghi lại của các nghị sỹ đảng Dân chủ là 86%, các nghị sỹ độc lập là 68% và các nghị sỹ đảng Cộng hòa là 62%.

Khi được hỏi liệu cách tiếp cận nào khiến Mỹ trở nên an toàn hoặc ít an toàn hơn, các liên minh quân sự của Mỹ (74%) và duy trì ưu thế quân sự (69%) là những cách tiếp cận được trích dẫn thường xuyên nhất góp phần vào sự an toàn cho Mỹ.

Ngoài ra, người Mỹ cũng chưa bao giờ tích cực đối với vấn đề thương mại quốc tế trong các cuộc khảo sát của Hội đồng Chicago như hiện nay: cụ thể 89% nghị sỹ đảng Dân chủ, 87% nghị sỹ đảng Cộng hòa, và 84% nghị sỹ độc lập nói rằng thương mại quốc tế là điều tốt cho nền kinh tế Mỹ.

Đây là những thay đổi hướng đến việc gắn kết nhiều hơn. Đó là lý do tại sao báo cáo được đặt tiêu đề là “Từ chối rút lui.”

Đúng là có nhiều trường hợp người Mỹ không muốn ủng hộ việc thực hiện hành động quân sự.

Báo cáo lưu ý rõ ràng rằng “không phải tất cả các chính sách tập trung vào quân sự đều được coi là sẽ làm gia tăng sự an toàn cho nước Mỹ. Mặc dù người Mỹ đánh giá cao sự răn đe được tạo lập từ một mạng lưới liên minh an ninh và sức mạnh quân sự mạnh mẽ, song phần đông người dân Mỹ (46%) cho rằng việc can thiệp quân sự ở các nước khác để giải quyết các cuộc xung đột khiến Mỹ trở nên ít an toàn hơn; chỉ 1/4 (khoảng 27%) người Mỹ cho rằng điều đó sẽ khiến đất nước an toàn hơn.”

Dữ liệu cũng chỉ ra rằng người Mỹ dường như ít muốn bao gồm việc can thiệp quân sự vào các quốc gia khác (chỉ có 51% muốn bao gồm) và bán vũ khí cho các nước khác (36%) trong định nghĩa của họ về sự gắn kết tích cực.

Kết hợp lại, báo cáo cho thấy công chúng Mỹ đang tán thành triết lý của cựu Tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt, đó là “nói chuyện nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn” - thật tốt khi có một lực lượng quân đội mạnh mẽ nhưng không phải sử dụng lực lượng đó sẽ còn tốt hơn nhiều. Không có kết quả nào trong số này được trích dẫn trong phân tích của ông Logan và ông Thrall.

Báo cáo này cũng thừa nhận các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew khi cho thấy người Mỹ coi việc nước Mỹ gần đây can thiệp ở Iraq và Afghanistan là một sai lầm.

Ông Logan và ông Thrall đưa ra các ví dụ khác trong bài viết của họ. Và kết quả của Hội đồng Chigago cho thấy đa số người Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này khá trùng khớp với sự sẵn sàng triển khai binh lính Mỹ để bảo vệ các đồng minh quan trọng như Hàn Quốc nếu họ bị Triều Tiên tấn công (58%) và các đồng minh Baltic thuộc NATO nếu họ bị Nga tấn công (54%) khi chỉ vài năm trước, đa số người Mỹ cũng phản đối việc sử dụng quân đội Mỹ cho những mục tiêu như vậy.

59% người Mỹ cũng ủng hộ việc sử dụng quân đội Mỹ để chiến đấu chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan bạo lực ở Iraq và Syria, phù hợp với xu hướng chung là hỗ trợ hành động quân sự nếu xuất hiện mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ.

Tất cả các nhà bình luận thường xuyên về chính sách công cộng và đối ngoại của Mỹ đều đúc kết được sự mệt mỏi của công chúng đối với sự can thiệp của quân đội nước ngoài nhằm rút khỏi các vấn đề toàn cầu.

Khảo sát của Hội đồng Chicago được thiết kể để thử nghiệm vấn đề đó và kết quả cho thấy đa số người dân Mỹ muốn một hình thức gắn kết tích cực của Mỹ với thế giới.

Cuộc khảo sát đó cũng mô tả chi tiết cách người Mỹ muốn được gắn kết: thông qua một liên minh mạnh mẽ, duy trì sức mạnh quân sự, thương mại gia tăng, hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền. Nói cách khác, người Mỹ “từ chối rút lui”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục