Nước Mỹ trước cơ hội phục hồi kinh tế và chấm dứt dịch bệnh

Nhiều chuyên gia kinh tế nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay, kèm theo dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, điều vốn được cho là bất khả thi vào năm ngoái.
Nước Mỹ trước cơ hội phục hồi kinh tế và chấm dứt dịch bệnh ảnh 1Người đến xin trợ cấp thất nghiệp tại Mississippi. (Ảnh: AP)

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai và gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật, đây có lẽ là lần đầu tiên một biện pháp phòng chống dịch và một biện pháp ứng phó với những tác hại về kinh tế lại diễn ra "gối đầu" nhau kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Mỹ

Điều này đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay, kèm theo dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, điều vốn được cho là bất khả thi vào năm ngoái khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đang diễn biến phức tạp.

Mặc dù vậy, khoản tiền 1.900 tỷ USD sẽ không được giải ngân toàn bộ trong năm nay và nhiều chuyên gia cho rằng một vài nội dung trong chương trình, ví dụ như trợ cấp thất nghiệp, sẽ được giải ngân ít hơn nếu gói kích thích này thành công và người lao động đã quay trở lại làm việc.

[IMF: Gói cứu trợ COVID-19 của Mỹ thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng]

Chuyên gia Steven Blitz của công ty TS Lombard dự đoán chỉ có khoảng 1.100 tỷ USD sẽ được giải ngân trong năm 2021. Nhưng kể cả vậy thì gói cứu trợ này cũng có thể sẽ hoàn thành "cây cầu" kinh tế mà giới chức Mỹ đang xây dựng bị gián đoạn kể từ khi dịch bệnh càn quét nước Mỹ hồi năm ngoái.

Nếu tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 được tiến hành với tốc độ như hiện nay, dự kiến đến cuối tháng 5/2021, phần lớn dân số Mỹ ít nhất sẽ được tiêm một liều vaccine. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng chậm lại và các hộ gia đình giờ đây đã có một khoản trợ cấp thu nhập cho 5 tháng nữa, khoảng thời gian để tình hình dịch bệnh tiếp tục "hạ nhiệt" và các doanh nghiệp khôi phục lại số việc làm đã cắt giảm.

Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều người đang cần sự trợ giúp. Tuần trước, có thêm 712.000 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu và hơn 20 triệu người tiếp tục xin hưởng trợ cấp vào cuối tháng Hai. Các con số này có thể sẽ không giảm xuống nhanh chóng cho đến khi tình hình dịch bệnh diễn biến khả quan đủ để các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất của nền kinh tế có thể tái mở cửa hoàn toàn.

Còn giờ đây, nền kinh tế Mỹ dường như đang trong bước chạy đà. Trong 14 ngày qua, có 8 ngày Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông (TSA) đã cho phép hơn 1 triệu người/ngày được lên máy bay. Đây là lần đầu tiên ghi nhận chuỗi ngày như vậy trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh (không tính các tuần lễ Giáng Sinh và Năm mới).

Số người đi ăn tại các nhà hàng cũng bắt đầu gia tăng, theo như số liệu từ trang theo dõi tình trạng đặt bàn OpenTable. Dù nhìn chung vẫn còn thấp, nhưng ở các bang như Texas và Florida, số lượng khách hàng tại các nhà hàng đã mở cửa trở lại đạt hơn 80% so với cùng thời gian này năm ngoái trước khi dịch bệnh bùng phát. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân đã sẵn sàng quay trở lại với những hoạt động có tương tác.

Theo công ty quản lý thời gian UKG, trong tuần đầu tiên của tháng 3/2021, hoạt động làm việc theo ca ở một loạt các ngành đã tăng lên mức gần 90% so với thời kỳ trước đại dịch, mức cao nhất kể từ mùa Xuân năm ngoái. Số liệu về các doanh nghiệp nhỏ từ công ty quản lý thời gian Homebase cũng cho thấy sự gia tăng trong hoạt động tuyển dụng trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.