Nước Pháp đau đầu trước bài toán biểu tình và nguy cơ khủng bố

Không mấy người Pháp được hưởng dư vị ngọt ngào của EURO 2016, phần đông trong số họ vẫn đang âu lo về tình trạng xã hội lộn xộn và những hệ lụy kinh tế đến từ những cuộc biểu tình và đình công.
Cảnh sát Pháp triển khai trên các đường phố ở Magnanville. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những trận cầu sôi động từ 10 ngày qua đã mang đến bầu không khí lễ hội vui vẻ cho Pháp - nước chủ nhà của vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016).

Thế nhưng, không mấy người Pháp được hưởng dư vị ngọt ngào của ngày hội bóng đá này, phần đông trong số họ vẫn đang âu lo về tình trạng xã hội lộn xộn và những hệ lụy kinh tế đến từ những cuộc biểu tình và đình công triền miên trong nhiều tháng qua. Chẳng những thế, họ còn cảm thấy bất an trước nguy cơ khủng bố tiềm ẩn cho dù bộ máy an ninh Pháp đã "căng sức."


Vụ một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại cặp vợ chồng cảnh sát Pháp đêm 13/6 vừa qua tại nhà riêng càng cho thấy bất ổn luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi trên toàn nước Pháp.

Làn sóng biểu tình, đình công tại Pháp đã bắt đầu từ tháng Ba vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà các nghiệp đoàn cho là tạo điều kiện cho giới chủ trong khi làm tổn hại các quyền cơ bản của người lao động. Một bên là các tổ chức công đoàn đứng đầu là Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) quyết tâm gây sức ép buộc chính phủ phải rút lại dự luật hoặc sửa đổi một số điều khoản then chốt. Một bên là chính phủ kiên quyết không nhượng bộ, tiếp tục tỏ ra cứng rắn, cho rằng đây là một trong những chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp đang ở mức trên 10%, đồng thời giúp các doanh nghiệp năng động trở lại.

Không chỉ gây tê liệt hệ thống giao thông đường không, đường bộ, các cuộc biểu tình, đình công khiến nước Pháp chia rẽ, kéo theo những bất ổn xã hội và gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Cho đến nay, 9 cuộc biểu tình quy mô lớn thu hút sự tham gia của hàng triệu công đoàn viên thuộc nhiều tổ chức xã hội, ngành nghề khác nhau đã diễn ra trên toàn quốc.

Tháng Năm vừa qua, nước Pháp đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu và năng lượng do các cơ sở lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân bị phong tỏa, buộc chính phủ lần đầu tiên trong 6 năm phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt.

Do thiếu nhiên liệu, thay vì sử dụng xe riêng, người dân phải chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để tới công sở. Tuy nhiên, các cuộc đình công khiến hệ thống tàu cao tốc nội đô, tàu liên tỉnh chỉ hoạt động một cách cầm chừng, thậm chí tê liệt trên một số tuyến đường, làm cho việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Cái vòng luẩn quẩn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Theo một cuộc thăm dò tiến hành hồi cuối tháng 5/2016, 54% người Pháp tỏ ra mệt mỏi và phản đối các cuộc đình công gây nên những rối loạn trong xã hội.

Ngoài những tác động về kinh tế-xã hội, những phần tử quá khích, đeo khăn bịt mặt, đội mũ trùm đầu trà trộn vào trong dòng người biểu tình gây rối khiến tình hình an ninh càng trở lên lộn xộn. Những đối tượng này ném gạch đá, chai lọ vào lực lượng an ninh, thậm chí không ngại ngần đập phá các cửa hàng, cửa hiệu, buộc cảnh sát phải dùng các biện pháp mạnh tay để trấn áp.

Những cảnh tượng hỗn loạn với bom khói, lựu đạn hơi cay trong các cuộc biểu tình là chuyện thường xuyên diễn ra trên đường phố Paris và nhiều thành phố khác trên toàn nước Pháp.

Lực lượng an ninh Pháp làm nhiệm vụ tại khu vực dành cho người hâm mộ (Fanzone) ở Bordeaux ngày 10/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Sở cảnh sát Paris cho biết sau cuộc biểu tình lớn ngày 14/6 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ 58 người. Chỉ từ tháng Ba đến nay, hơn 1.000 người đã bị bắt giữ, hơn 300 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình liên quan đến dự luật cải cách lao động.

Tổng thống Pháp François Hollande đã phải cảnh báo có thể cấm biểu tình nếu những người tổ chức không bảo đảm được tài sản và an toàn tính mạng cho mọi người, còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm và sẽ cấm một số cuộc biểu tình trong từng trường hợp cụ thể.

Kể từ loạt vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 vừa qua tại Paris và vùng phụ cận làm 130 người thiệt mạng, mối đe dọa khủng bố luôn đè nặng lên nước Pháp. EURO 2016 diễn ra khi nước chủ nhà vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Để đối phó với các thách thức an ninh, Pháp đã huy động 42.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh, 5.200 nhân viên an ninh dân sự và 10.000 binh lính nhằm đảm bảo an ninh cho người dân Pháp và 8 triệu khán giả nước ngoài đến nước Pháp dịp này.

Tổng thống François Hollande đã cam kết thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để đảm bảo sự kiện thể thao này diễn ra thuận lợi, suôn sẻ và an toàn cho hàng triệu cổ động viên tới Pháp.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã trấn an rằng tại các sân vận động và nơi đóng quân của 24 đội tuyển, các Fan Zone tập trung người hâm mộ, các khách sạn của quan chức sẽ được bố trí nhiều vòng kiểm soát và các chốt kiểm tra an ninh sẽ hoạt động thường trực. Ông cũng khẳng định lực lượng an ninh Pháp đủ khả năng để đề phòng cũng như vượt qua thách thức đặt ra.

Tuy nhiên, vụ cặp vợ chồng cảnh sát bị sát hại tại thành phố Magnanville đã làm sống lại mối lo khủng bố, làm dấy lên sự giận dữ xen lẫn sợ hãi trong người dân. Dù không phải là một vụ đánh bom liều chết vào một địa điểm công cộng như những kịch bản đã được hình dung, nhưng hung thủ vẫn là một kẻ được "truyền cảm hứng" bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Dù hành động đơn lẻ, nhưng kẻ sát nhân vẫn thường xuyên liên lạc với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Việc IS mất dần lãnh thổ trên chiến trường sẽ khiến tổ chức này gia tăng các vụ giết người man rợ tại các quốc gia vốn là đích ngắm của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn nước Pháp theo chiều sâu, dễ dàng nhận ra rằng trong nhiều thập kỷ, nước Pháp đã không đủ khả năng hóa giải các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo khiến vấn đề này trở thành nguyên nhân sâu xa chia rẽ xã hội Pháp.

Mầm bất ổn nhen nhóm từ việc người nhập cư châu Phi và Trung Đông bị dồn ra các khu ngoại ô nghèo Paris, nơi một thế hệ lớn lên luôn mặc cảm về sự phân biệt sắc tộc, chứng kiến sự bất bình đẳng và tâm lý bài Hồi giáo. Những thanh niên này muốn hòa nhập nhưng không có cơ hội ngang bằng. Sự thất vọng khiến họ dễ tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan do IS tuyên truyền.

Bài toán hòa giải và xây dựng tình đoàn kết sắc tộc trong cùng một quốc gia không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nó cần phải có thời gian và phải được bắt đầu từ hệ thống giáo dục cho đến các chương trình hỗ trợ tìm việc cho thanh niên nghèo.

Chỉ một chính sách toàn diện mới có thể từng bước xóa bỏ các khu ngoại ô "nóng bỏng" - nơi có tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm cao. Nếu không, ngọn lửa bạo lực có thể bùng lên bất cứ lúc nào trên nước Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục