Olympic Tokyo 2020: Thể thao Việt Nam và nỗ lực 'săn huy chương'

Tâm thế vận động viên Việt Nam đến Olympic chỉ để cọ xát đã dần bị gỡ bỏ từ hơn 2 thập kỷ trước, khi võ sỹ Trần Hiếu Ngân giành tấm huy chương Bạc Taekwondo lịch sử ở Olympic Sydney 2000.
Vận động viên Nguyễn Hoàng Phi Vũ của Đội tuyển bắn cung Việt Nam luyện tập ở Tokyo. (Ảnh: Thu Sâm/TTXVN phát)

Mặc dù lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không giao chỉ tiêu giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020 cho đoàn thể thao Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là các vận động viên đến Tokyo chỉ với tâm lý cọ xát, học hỏi...

Tâm thế vận động viên Việt Nam đến Olympic chỉ để cọ xát đã dần bị gỡ bỏ từ hơn 2 thập kỷ trước, khi võ sỹ Trần Hiếu Ngân giành tấm huy chương Bạc Taekwondo lịch sử ở Olympic Sydney 2000.

Trong 5 kỳ Thế vận hội gần nhất, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ có duy nhất 1 lần không đoạt huy chương (Olympic Athens 2004).

Năng lực của vận động viên Việt Nam ở sân chơi thế giới đã phần nào được khẳng định, và điều quan trọng nhất trước mỗi chiến dịch là xác định môn thể thao trọng điểm, có khả năng giành huy chương để đầu tư nâng cao thành tích.

Mặc dù vậy, việc giành được tấm huy chương ở đấu trường Olympic vẫn là giấc mơ đối với bất cứ vận động viên Việt Nam nào. Đạt chuẩn Olympic đã khó, đạt điểm rơi để giành huy chương tại Thế vận hội lại còn khó hơn.

[Olympic Tokyo 2020: Cung thủ Ánh Nguyệt mở màn thuận lợi cho Việt Nam]

Trong 2 thập kỷ qua, xen kẽ những tấm huy chương lịch sử tại Olympic Sydney 2000, Bắc Kinh 2008 và Rio 2016 là những nỗi buồn ở Athens (2004) và London (2012 - Trần Lê Quốc Toàn chỉ nhận huy chương Đồng sau gần 10 năm, do lực sỹ giành huy chương Đồng là Valentin Hristov dương tính với doping).

Ngay ở kỳ Thế vận hội thành công nhất cách đây 5 năm - với 1 tấm huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam cũng vẫn có những tiếc nuối. Đó là thất bại ở môn cử tạ - đặc biệt là niềm hy vọng Thạch Kim Tuấn có dấu hiệu tâm lý nên thất bại ngay lần cử đẩy đầu tiên.

Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội thứ ba của Thạch Kim Tuấn. Và với thành tích 304 kg tổng cử - cao thứ 4 ở vòng loại - anh lại được kỳ vọng sẽ tranh chấp huy chương Đồng với Itokazu Yoichi (từng đạt tổng cử 298kg) và Mishelidze Shota (293kg).

Tuy nhiên, tính toán là vậy, việc duy trì được thành tích như kỳ vọng lại không hề đơn giản. Tuấn đã có quá nhiều bài học từ quá khứ, và thứ anh cần bây giờ là sự thoải mái, tự tin, chứ không phải áp lực.

Hoàng Xuân Vinh, người hùng 5 năm trước, không được đánh giá cao về cơ hội giành huy chương như Kim Tuấn. Lý do là anh từng thất bại ở SEA Games, từng không vượt qua nổi vòng loại mà chỉ được tham dự nhờ suất đặc cách.

Nhưng hẳn nhiều người còn nhớ, chính Xuân Vinh khi đến Rio 2016 cũng không được kỳ vọng cao vì từng gây thất vọng tràn trề ở ASIAD 16 tại Quảng Châu và sau đó là Olympic London 2012.

Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung từng chia sẻ trước ngày Hoàng Xuân Vinh thi đấu ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Rio 5 năm về trước (anh giành huy chương Bạc): “Trong cái môn bắn súng này, sự giữ tập trung và phản xạ là quan trọng lắm. Đôi khi khoảng cách giữa thành công kỳ diệu và thất bại thảm hại là rất mong manh.”

Thể thao đúng là có những ngưỡng khó vượt qua về mặt thể chất, nhưng bên cạnh đó, vẫn có những môn thể thao mà những người tưởng như yếu thế vẫn có thể nghĩ đến khoảnh khắc vinh quang.

Chỉ cần nỗ lực hết sức, có kế hoạch rõ ràng, cộng thêm một chút may mắn thì giấc mơ không chỉ là giấc mơ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục