Tháng 10/2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khiến dư luận ngạc nhiên khi tới Oman, đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo Israel tới Oman trong vòng hơn hai thập kỷ qua.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã tới Oman chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu, dẫn tới những đồn đoán cho rằng Oman có thể đóng vai trò là một cầu nối cho vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa Israel và Palestine.
Nhân sự kiện này, World Politics Review đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Giorgio Cafiero, nhà sáng lập và giám đốc điều hành hãng phân tích rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (GSA), có trụ sở tại Washington, Mỹ, để bàn về các hoạt động ngoại giao trong bối cảnh Oman nỗ lực phá vỡ tình trạng bế tắc của nhiều cuộc xung đột tại khu vực.
So sánh tầm quan trọng của chuyến thăm Oman vừa qua của Thủ tướng Netanyahu và các chuyến công du tương tự của Tổng thống Abbas, ông Giorgio Cafiero nhận định liên lạc giữa Oman và Israel diễn ra khá đều đặn trong thời gần đây, và đó không phải là chuyện mới mẻ.
Các nhà ngoại giao từ Muscat lần đầu tiên gặp gỡ các đồng nghiệp Israel vào đầu những năm 1990, thiết lập nền tảng quan hệ mặc dù mọi chuyện được giữ kín và được giữ ở cấp thấp kể từ thời điểm đó.
Chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu tới Oman năm nay là một khoảnh khắc dậy sóng, không chỉ đối với quan hệ Israel-Oman mà còn đối với quan hệ của Israel với thế giới Arab.
Chuyến thăm diễn ra khi một số quốc gia vùng Vịnh đang có xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel.
Mặc dù Oman và Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức, Muscat vẫn tin rằng đối thoại và mối quan hệ giữa các quan chức Israel và các đối tác Arab sẽ phục vụ lợi ích của Oman cũng như của các nước Arab khác tại khu vực.
Theo ông Cafiero, nhà lãnh đạo Oman Qaboos bin Said đã rất “bản lĩnh” khi đón tiếp Thủ tướng Netanyahu bởi tất cả các lãnh đạo Arab tỏ thái độ gần gũi với Israel sẽ phải chịu sự chỉ trích, không chỉ từ người dân trong nước mà còn từ các cộng đồng Arab khác trong khu vực.
Điều này cũng thể hiện uy tín và kinh nghiệm ngoại giao của Quốc vương Qaboos trong quan hệ với các nước Arab, cho thấy ông sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị khu vực.
Ông Cafiero nhận định: “Chuyến thăm của Tổng thống Abbas diễn ra chỉ ít ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu cho thấy Muscat có mục đích kéo Israel và Palestine lại gần nhau hơn theo hướng đối thoại tích cực, dù các quan chức Oman nhấn mạnh Oman đóng vai trò trung gian không chính thức giữa hai bên.”
[LHQ kêu gọi nối lại đàm phán giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine]
Oman đóng vai trò là nhân tố hòa giải trong khu vực từ khi Qaboos lên nắm quyền năm 1970. Với một chính sách đối ngoại chững chạc, ưu tiên ngoại giao và đối thoại, Oman đã tránh được các cuộc đối đầu và chưa bao giờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với một nước khác dưới chế độ của Qaboos.
Ibadism - một nhánh đạo Hồi được phần lớn người Oman theo, kể cả Quốc vương Qaboos - tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Muscat.
Dù là thành viên tham gia thành lập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một tổ chức chống Iran, nhưng Oman lâu nay lại có quan hệ với Iran với mục đích đối thoại ôn hòa thay vì đe dọa chế độ tại Tehran.
Trong giai đoạn đầu của GCC, Muscat duy trì vai trò trung lập trong chiến tranh Iran-Iraq, thậm chí khi các nước Arab vùng Vịnh khác ủng hộ Baghdad mạnh mẽ.
Giới chức Oman vẫn cố gắng giúp đỡ Iran và Iraq chấm dứt chiến tranh, tìm kiếm sự công nhận về vai trò hòa giải của Oman trong thế giới Arab .
Giới ngoại giao Oman cũng nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột hậu "Mùa xuân Arab " tại Syria và Yemen.
Vai trò trung lập của Muscat trong các cuộc khủng hoảng này đã giúp Oman có cơ hội trở thành quốc gia hòa giải được tin cậy, đứng ra tổ chức hoặc nhân tố thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình giữa các tay chơi khác nhau, những bên vì lý do nào đó gặp khó khăn để đối thoại trực tiếp với bên khác.
Tuy nhiên, ông Cafiero cho rằng các nỗ lực ngoại giao của Oman không phải lúc nào cũng được các nước GCC đón nhận.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) đã nổi giận khi biết Oman tổ chức cho các nhà ngoại giao Mỹ và Iran tiến hành đối thoại bí mật, mở đường cho đàm phán dẫn tới ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran (2015).
Giới chức tại Riyadh và Abu Dhabi cho rằng Muscat đã không tham vấn họ trước khi đứng ra tổ chức đàm phán hạt nhân, và hành động này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích an ninh tập thể của GCC trước Iran.
Chuyên gia Giorgio Cafiero nhấn mạnh Oman có thể tiếp tục duy trì quan điểm trung lập tại vùng Vịnh, từ chối hoàn toàn đứng về phía Saudi Arabia hoặc Iran chống lại bên còn lại.
Chính sách đối ngoại cân bằng này sẽ giúp Oman có thể duy trì trung lập tại phía Nam vịnh Ba Tư, trong khi Kuwait đóng vai trò tương tự tại phía Bắc vịnh Ba Tư.
Cùng với Kuwait và Qatar, Oman sẽ ủng hộ những nỗ lực tại khu vực nhằm tăng cường đối thoại Arập -Iran và hiểu biết giữa các bên.
Theo Cafiero, thách thức đối với Oman có thể đến từ Washington, Riyadh và Abu Dhabi, nơi có các nhà lãnh đạo muốn gây sức ép buộc các nước khác chấp nhận quan điểm chống Iran một cách quyết liệt.
Mặc dù quan hệ Qatar với các nước Hồi giáo Suni là một lý do chính dẫn tới khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh, quan hệ của Doha với Tehran cũng là một vấn đề.
Ông nói: “Vì vậy, do mối quan hệ nồng ấm giữa Oman và Iran, một số chuyên gia phân tích quan ngại về việc Saudi Arabia và UAE cuối cùng có thể trao cho Oman vai trò ‘xử lý Qatar.’
Bản thân Qatar có thể cũng là nhân tố trong tương lai của mối quan hệ giữa Oman với các nước GCC còn lại.
Riyadh và Abu Dhabi tin rằng Doha gây ra thách thức lớn đối với an ninh khu vực, vì vậy hai nước này cũng có thể khó chịu khi Muscat không sẵn lòng tham gia cùng các nước này cô lập Qatar tại khu vực”./.