Ngày 16/3, trong dự thảo ngân sách chính quyền liên bang đầu tiên với tổng chi tiêu lên tới 3.800 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cắt giảm nguồn tài chính liên quan tới các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Đề xuất này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ngừng tham gia Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên hợp quốc.
GCF là phần quan trọng của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được gần 200 quốc gia ký kết hồi năm 2015 với mục đích giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngay trong quá trình tranh cử, Tổng thống Trump từng tuyên bố những cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu chỉ là "bịp bợm" và nhiều lần đe dọa rút khỏi hiệp định này.
Ngoài cắt giảm ngân sách hỗ trợ Liên hợp quốc, trong dự toán ngân sách quốc gia đầu tiên, ông Trump cũng đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), tương đương 2,6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc EPA sẽ phải xem xét cắt giảm 3.200 nhân viên, chiếm 1/5 tổng nhân viên của cơ quan này.
Việc chính quyền Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình về môi trường đã khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu càng thêm quan ngại khi trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo đình chỉ tạm thời các quy định về tiêu chuẩn khí thải xe hơi được ban hành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Trump khẳng định các tiêu chuẩn môi trường khắt khe đang làm tổn hại tới hoạt động thương mại và tuyên bố chính phủ sẽ tạm ngừng để đánh giá lại các mục tiêu khí thải xe cộ giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không có tiếng nói cuối cùng về vấn đề chi tiêu liên bang, mà Quốc hội lưỡng viện Mỹ sẽ là cơ quan quyết định cuối cùng về việc phân bổ ngân sách.
Dự kiến, dự thảo ngân sách nói trên sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ xem xét vào ngày 16/3./.