Sau hai lần hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông, sáng ngày 30/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015-2016.
Một trong các nội dung quan trọng nhất tại Đại hội đồng cổ đông lần này là việc bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022.
Theo tài liệu được Sacombank công bố tại Đại hội đồng cổ đông, Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua tờ trình về bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 gồm 6 ứng viên Hội đồng quản trị và 4 ứng viên vào Ban kiểm soát.
Cụ thể, thành viên hội đồng quản trị có 6 người, gồm: Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị LienVietPostBank; ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank; ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank; ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Tổng giám đốc Sacombank; ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đắk Lắk và bà Lê Thị Hoa (thành viên Hội đồng quản trị độc lập), thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank.
Thành viên Ban kiểm soát có 4 người, gồm: ông Trần Minh Triết, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Lê Văn Tòng, ông Hà Tôn Trung Hạnh. Tất cả thành viên Ban kiểm soát đều là thành viên chuyên trách.
Sau nhiều giờ căng thẳng tranh cãi, đến 13 giờ 20 phút, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã chính thức thông qua danh sách Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2017-2020 với toàn bộ thành viên ứng cử đều trúng cử.
Trong đó, ông Dương Công Minh có tỷ lệ trúng cử cao nhất với hơn 198%, ông Nguyễn Miên Tuấn với 75,8%, ông Kiều Hữu Dũng đạt tỷ lệ 66,4%; ông Nguyễn Xuân Vũ với 66,5%; ông Phạm Văn Phong với 65,45% và bà Lê Thị Hoa trúng cử thành viên Hội đồng quản trị độc lập tỷ lệ 93,5%.
Trong danh sách này có ba thành viên là nhân sự của Sacombank gồm ông Kiều Hữu Dũng, ông Nguyễn Miên Tuấn và ông Nguyễn Xuân Vũ.
Ngoài ra, hai thành viên khác đến từ Vietcombank là ông Phạm Văn Phong (Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đak Lak từ năm 2002 đến nay) và bà Lê Thị Hoa (thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank từ năm 2003 đến nay và từng là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank).
Ông Kiều Hữu Dũng và ông Phạm Văn Phong cũng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Sacombank.
Danh sách thành viên Ban Kiểm soát gồm: Ông Hà Tôn Trung Hạnh với (83,0041%); Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (82,9240%); ông Lê Văn Tòng (82,5667%); Ông Trần Minh Triết (125,7056%).
Ông Dương Công Minh sinh năm 1961, có trình độ cử nhân kinh tế. Ông Minh là Chủ tịch của Công ty cổ phần Him Lam từ năm 1997 đến nay.
Ông cũng là người gắn bó với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ giai đoạn thành lập trù bị vào năm 2007 và giữ chức Chủ tịch ngân hàng này từ năm 2008 đến tháng 6/2017. Ngoài ra, ông Minh cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch tại các công ty gồm Công ty cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần và Công ty Chứng khoán Liên Việt. Mới đây, Him Lam đã thoái toàn bộ 14,98% vốn tại LienVietPostBank.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Sacombank, năm 2015, 2016 là những năm đầu của giai đoạn tái cơ cấu toàn diện Sacombank sau sáp nhập, được xác định là gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của Sacombank được duy trì ổn định nhưng kết quả hoạt động kinh doanh đạt được chưa như mong muốn, nợ xấu còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số chỉ tiêu trọng yếu về hoạt động kinh doanh thực hiện trong năm 2015, 2016 như sau: Tổng tài sản đạt 332.023 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động 304.942 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng 237.918 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xáu 6,81%; lợi nhuận trước thuế 156 tỷ đồng.
Về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016; tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%; tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Củng cố và kiện toàn hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập, hoàn thiện cấu trúc tổ chức và chuẩn hóa các đơn vị sáp nhập. Xây dựng chi tiết kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính còn tồn tại trước đây, tái cấu trúc tài sản có và tài sản nợ để giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm dần lãi dự thu.
Bên cạnh đó, kiểm soát hiệu quả và ngăn chặn nợ quá hạn, quyết liệt xử lý nợ xấu và nợ cơ cấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tăng tài sản có sinh lời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trong năm 2017, Sacombank cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ bán VAMC, tăng cường xử lý tài sản nhận cấn trừ nợ, gán nợ, giảm dần các khoản phải thu nhằm tạo hiệu quả tối ưu nhất.
Sacombank cũng trình cổ đông tái xác nhận chủ trương lập các công ty trong giai đoạn 2017-2020 gồm Công ty tài chính trực thuộc Sacombank với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh đối tác nước ngoài với vốn góp 500 tỷ đồng, mua lại hoặc lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư 300 tỷ đồng./.