Ông Kim Jong-un đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất?

Kế hoạch của ông Kim hiện nay là tìm ra con đường tồn tại, trong khi phải gánh chịu lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc, đồng thời phải xây dựng một sự răn đe hạt nhân mạnh hơn để buộc Mỹ phải thỏa hiệp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì phiên họp ngày thứ 2 trong kỳ họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa VII ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 29/12/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo mạng tin bloomberg, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang từ bỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Thông qua lời đe dọa mới nhất của mình trong tuần này, dường như Kim Jong-un ngầm thừa nhận rằng những nỗ lực can dự (của ông) với Mỹ đã thất bại.

Kế hoạch của ông Kim hiện nay là tìm ra một con đường để tồn tại, trong khi phải gánh chịu những lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc, đồng thời phải xây dựng một sự răn đe hạt nhân mạnh hơn để buộc Washington phải thỏa hiệp.

Theo những trích đoạn từ một bài phát biểu bất thường kéo dài tới 7 giờ đồng hồ trước các lãnh đạo của đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un nói: "Chúng ta không bao giờ có thể bán lòng tự trọng, điều mà cho tới nay chúng ta luôn bảo vệ và trân trọng như chính sinh mạng của mình, với hy vọng về một sự thay đổi tươi sáng."

Ông còn nói: "Cuộc đối đầu giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Mỹ, vốn kéo dài qua nhiều thế hệ, hiện đã bị dồn nén thành một cuộc đối đầu rõ ràng giữa tự cường và trừng phạt."

Mặc dù ông Kim cáo buộc rằng cuộc khủng hoảng này xảy ra do cái mà ông gọi là sự phản bội của Mỹ, song những bình luận của ông đã ngầm thừa nhận rằng quyết định của ông trong việc xuống thang chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt đã không có tác dụng.

[Triều Tiên chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự, tự lực tự cường]

Triều Tiên vẫn tiếp tục suy kiệt vì các lệnh cấm vận quốc tế tương tự như hồi năm 2018, khi Kim tuyên bố ông ưu tiên phát triển kinh tế hơn là phát triển vũ khí, đồng thời quyết định dừng các vụ thử tên lửa và tổ chức cuộc gặp đầu tiên chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Trump.

Kế hoạch mới đây nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có vẻ rất giống với sự trở lại của chính sách "Tịnh tiến kinh tế quốc phòng" ("Byungjin Line") năm 2013, kêu gọi cùng lúc phải quan tâm tới cả việc phát triển kinh tế của Triều Tiên và củng cố vị thế cường quốc có trang bị hạt nhân của nước này.

Lần này, ông Kim yêu cầu các lãnh đạo của đảng phải cam kết thực hiện một chính sách gọi là "tấn công chọc thủng phòng tuyến phía trước" một chiến lược mà ông nói rằng sẽ cần tới cả hành động chính trị, ngoại giao và quân sự.

Ông nói rằng cả nước phải "thắt lưng buộc bụng". Sự thay đổi này cho thấy rõ những hạn chế của thành tựu ngoại giao lịch sử của ông Kim, bao gồm hơn một chục cuộc gặp với những người đứng đầu quốc gia và chính phủ trên thế giới kể từ khi ông có chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên hồi tháng 3/2018.

Mặc dù việc nhóm lại quan hệ với các đồng minh thời Chiến tranh Lanh như Trung Quốc và Nga đã giúp Triều Tiên thu được một số hứa hẹn về tài chính từ du lịch, hỗ trợ lương thực và ủng hộ ngoại giao, song ông không thể thoát khỏi những lệnh trừng phạt đau đớn nhất của Mỹ, Hàn Quốc và Liên hợp quốc mà không có sự ủng hộ của Washington.

Shin Bum-chul - người đang nghiên cứu về quan hệ liên Triều tại Viện Chính sách Asan và từng là nhà nghiên cứu tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - nói: "Ông Kim Jong-un rõ ràng bác bỏ đề xuất của chính quyền Trump về việc tạo cho nền kinh tế Triều Tiên một tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên, có vẻ như Triều Tiên đã quyết định nỗ lực độc lập phát triển kinh tế, đây sẽ là nền tảng để Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân hợp pháp."

Vũ khí mới

Những đe dọa quân sự mới của ông Kim Jong-un - đó là tuyên bố chấm dứt thời kỳ tạm dừng thử nghiệm và hứa hẹn sẽ "gây choáng váng" cho nước Mỹ để trả đũa các lệnh trừng phạt - cũng có thể phá hủy không gian ngoại giao mà ông đã tự tạo ra cho mình.

Ngoài việc khiêu khích Tổng thống Trump, ông Kim có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tức giận nếu ông ta gia tăng đe dọa về một cuộc chiến tranh khác trên bán đảo Triều Tiên, hoặc thực hiện các vụ thử nghiệm khiến mùi phóng xạ vượt qua biên giới.

Ông Kim cũng bắt đầu leo thang căng thẳng kể từ khi Tổng thống Trump rời khỏi hội nghị thượng đỉnh chính thức giữa hai bên hồi tháng 2/2019, thực hiện số vụ thử tên lửa đạn đạo kỷ lục trong năm ngoái. Trong bài phát biểu của mình, ông cam kết sẽ sớm giới thiệu một "vũ khí chiến lược mới" điều mà các chuyên gia chống phổ biến hạt nhân nói rằng có thể là bất cứ thứ gì, từ tàu ngầm trang bị hạt nhân tới một hình thức tiên tiến hơn của tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Cho dù các lệnh trừng phạt đã đẩy nền kinh tế của Triều Tiên rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau nạn đói lịch sử những năm 1990, song chế độ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đạt được những tiến bộ hạt nhân.

Một cựu quan chức Liên hợp quốc từng nói với Bloomberg News hồi tháng 11/2019 rằng có thể ông Kim tin là ông ta đã tìm ra đủ lỗ hổng trong cơ chế trừng phạt để trì hoãn đàm phán với Mỹ.

Việc tái nhấn mạnh vào sự tự cường - một khái niệm trung tâm trong tư tưởng "Juche" của Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un - có thể làm tăng sự sôi nổi của chủ nghĩa dân tộc để vượt qua giai đoạn suy thoái kéo dài này.

Dù vậy, bất kể yêu cầu nào về việc chuẩn bị cho những rủi ro khi "thắt lưng buộc bụng" đều sẽ vấp phải sự phản đối, đặc biệt là trong giới chóp bu ở Bình Nhưỡng, những người đã được hưởng nhiều lợi ích từ các thí nghiệm cải cách thị trường của ông Kim.

"Đánh cược"

Kể từ khi cam kết ngay sau khi lên cầm quyền năm 2011 rằng người dân Triều Tiên sẽ "không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa," ông Kim đã nhiều lần tiến rồi lại lùi khi yêu cầu người dân phải thắt lưng buộc bụng. Robert Carlin - một nhà nghiên cứu của Chương trình 38 North thuộc Trung tâm Stimson, người đã có hơn 20 chuyến di tới Triều Tiên - nói với các phòng viên hôm 31/12/2019: "Đây là một cuộc đánh cược.

Ông Kim trên thực tế đã nới lỏng 'thắt lưng' trong nhiều năm qua, và đến nay việc thắt chặt nó lại sẽ gây ra vấn đề, ít nhất là những tiếng cằn nhằn - nếu không muốn nói là những điều tồi tệ hơn - trong nhân dân, và có thể là cả một số người trong giới lãnh đạo."

Nguy cơ này có thể giải thích những nỗ lực gần đây của bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên khi mô tả ông Kim như một nhân vật chỉ huy giống với người ông đáng kính Kim Nhật Thành.

Truyền thông nhà nước rầm rộ đưa tin về bài phát biểu của ông Kim Jong-un, được ông đọc trong khi ngồi sau một chiếc bàn lớn lộng lẫy bằng gỗ nổi bật trong cuộc họp, thể hiện quyền kiểm soát của ông đối với đảng cầm quyền.

Ngựa trắng

Ngày 2/1, truyền hình Triều Tiên chiếu những thước phim ghi lại cảnh ông Kim cưỡi ngựa trắng trên nền tuyết trắng trên đỉnh Paektu, một nơi linh thiêng mà chế độ Triều Tiên nói rằng nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã lãnh đạo các chiến sỹ du kích chống lại quân Nhật Bản.

Trong bài phát biểu, ông Kim Jong-un đã chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt đã buộc ông phải thay đổi cách tiếp cận. Ông nói với các lãnh đạo đảng: "Không có gì khác biệt giữa những ngày chúng ta vừa phải đồng thời thúc đẩy xây dựng kinh tế, vừa xây dựng lực lượng hạt nhân, với hiện tại khi chúng ta phải nỗ lực xây dựng kinh tế do những hành động như kẻ cướp của Mỹ. Đừng hy vọng Mỹ sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục