Pakistan cạn nguồn tài chính để phục hồi sau lũ lụt nghiêm trọng

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu của Pakistan cho biết Pakistan không còn khả năng để đưa ra bất kỳ gói kích thích kinh tế nào sau lũ lụt, đồng thời kêu gọi các nước phát triển tăng hỗ trợ.
Pakistan cần nguồn lực tài chính lớn để tái thiết sau lũ lụt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu của Pakistan, bà Sherry Rehman ngày 4/10 cho biết nước này đã cạn nguồn tài chính để chi cho hoạt động phục hồi sau trận lũ lụt nghiêm trọng gần đây, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Phát biểu tại một hội nghị ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm kiếm hỗ trợ cho Pakistan, bà Rehman cho biết: “Chúng tôi không còn khả năng để đưa ra bất kỳ gói kích thích kinh tế nào.” Bà kêu gọi các nước phát triển tăng hỗ trợ cho Pakistan sau thảm kịch chưa từng thấy trong lịch sử.

Về phần mình, cũng phát biểu tại hội nghị trên, Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế Ayaz Sadiq dự kiến phải “mất nhiều năm” để Pakistan khôi phục và tái định cư cho hàng triệu người đã mất nhà cửa do lũ.

Tại hội nghị, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Pakistan, ông Julien Harneis đã tăng gấp 5 lần mức kêu gọi quyên góp viện trợ nhân đạo cho Pakistan, từ 160 triệu USD lên 816 triệu USD, do tình hình gia tăng số người mắc bệnh liên quan đến nước và tình trạng nghèo đói đặt ra những nguy cơ mới sau nhiều tuần lũ lụt chưa từng thấy.

[Hơn 5 triệu người Pakistan đối mặt với khủng hoảng lương thực sau lũ]

Theo ông Harneis, Pakistan đang cần khẩn cấp thuốc men cho 8,2 triệu người và sẽ cần thêm lương thực vì mùa vụ đã bị lũ cuốn trôi.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo Pakistan “đang đứng bên bờ vực của một thảm họa y tế công cộng.”

Gần 1.700 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Hơn 7 triệu người đã phải đi sơ tán. Hàng trăm nghìn người bị phơi nhiễm với các bệnh như sốt rét, sốt vàng da, viêm da, viêm mắt, tiêu chảy... những căn bệnh có khả năng lây lan nhanh khi nước lũ vẫn chưa rút.

Theo giới chức địa phương, phải mất nhiều tháng nước lũ mới có thể rút hết. Ước tính thiệt hại lên tới 30 tỷ USD do mùa màng, vật nuôi, đường sá, cầu cống, nhà cửa, trường học và cơ sở y tế bị lũ cuốn trôi. Chính phủ Pakistan và Liên hợp quốc khẳng định biến đổi khí hậu đã gây ra thảm họa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục