Trong vài tháng trở lại đây, chính quyền Pakistan đã thực hiện nhiều hành động khiến cho đất nước này tiến sâu hơn vào quỹ đạo địa chiến lược của Trung Quốc. Tờ National Interest của Mỹ mới đây đã có bài phân tích về mối quan hệ này để phần nào lý giải về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Dù Pakistan cùng Trung Quốc đã có mối quan hệ kéo dài, đơm trái ngọt suốt hơn 50 năm qua, phải tới khi đôi bên triển khai Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) dài 2.900km, trong khuôn khổ một chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 năm nay, mối quan hệ ấy mới thực sự thay đổi về chất.
Dự án CPEC trị giá 46 tỷ USD, gồm việc xây dựng nhiều con đường, tuyến đường sắt và nhà máy điện trong vòng 15 năm, được thông qua sau khi Trung Quốc và Pakistan đã từng có với nhau nhiều thỏa thuận quan trọng khác trên các mặt quân đội, năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tầm quan trọng về địa chiến lược của CPEC được tăng lên bởi một số thỏa thuận song phương ký kết trước đó. Đầu tiên, trong tháng 4, Trung Quốc đã được trao quyền hoạt động tại cảng Gwadar ở Ấn Độ Dương trong 40 năm.
Bắc Kinh có thể sẽ đầu tư 1,62 tỷ USD vào cảng này. Gwadar sẽ là điểm bắt đầu của CPEC, vốn chạy dài tới Kashgar ở tây Trung Quốc. Cuối cùng, khi cảng này đi vào hoạt động chính thức và CPEC đã hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể chuyển tải từ cảng này một số lượng dầu lửa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, qua đó tiết kiệm hàng tỷ đô la, thời gian quý báu và quan trọng hơn là tránh không phải đi qua eo Malacca vốn nhiều rủi ro.
Gwadar sẽ đóng vai trò quan trọng trong con đường tơ lụa trên bộ và trên biển của Trung Quốc, nối nước này với Trung Á và các khu vực khác. Quan trọng hơn, trong khi Gwadar được xây dựng như một cảng thương mại thay vì căn cứ hải quân phục vụ quân đội Trung Quốc, điều này có thể thay đổi trong tương lai. Sự thay đổi chức năng của cảng gần như chắc chắn sẽ diễn ra khi Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Một khía cạnh khác ít người biết của thỏa thuận CPEC, hiện vẫn đang trong giai đoạn thương thảo, là Pakistan đã đồng ý mua 8 tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel từ Trung Quốc và sẽ trang bị vũ khí quy ước thông thường cho con tàu.
Với tổng chi phí 6 tỷ USD, đây sẽ là thương vụ mua sắm vũ khí lớn nhất của Pakistan cho tới nay. Việc Pakistan sở hữu các tàu ngầm này sẽ khiến Ấn Độ không dễ phong tỏa Karachi hoặc Gwadar, trong tình huống xảy ra xung đột.
Thương vụ cũng tiếp tục củng cố vai trò của Trung Quốc như nhà cung cấp vũ khí chính cho Pakistan. Riêng năm 2010, Pakistan đã là điểm đến của 60% lượng vũ khí Trung Quốc bán ra thế giới.
Việc Trung Quốc muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Pakistan chẳng phải là điều mới mẻ. Nhưng yếu tố mang tính thay đổi, giúp Trung Quốc tăng cường chú ý vào Pakistan chính là việc Mỹ cùng phương Tây quyết định ngừng các hoạt động quân sự tại Afghanistan trong năm 2015.
Theo đó, việc Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO rút khỏi Afghanistan để lại 2 hậu quả: nó tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn trong khu vực và tan giảm bớt sự quan tâm của Mỹ tới Pakistan. Trung Quốc đã nhân đó để nhảy vào cuộc.
Trung Quốc đã dùng cơ hội này để củng cố các lợi ích kinh tế lâu dài và chiến lược ở Pakistan - cây cầu nối quan trọng trong sự phát triển con đường tơ lụa của Trung Quốc.
Theo đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Pakistan, đặc biệt là các con đường và trong lĩnh vực năng lượng. Trên cả các phương diện tuyệt đối và tương đối, CPEC rất khổng lồ nếu so với gói hỗ trợ kinh tế gần đây nhất của Mỹ dành cho Pakistan, lên tới 7,5 tỷ USD (giai đoạn 2009 - 2014).
Việc hoàn tất CPEC sẽ cho phép Trung Quốc kết nối với các mối quan tâm kinh tế lớn của nước này nằm ở quốc gia Afghanistan gần đó, đặc biệt là về các khoáng sản đồng và dầu lửa. Vì thế, việc thủ đô đầu tiên mà tân Tổng thống Afghanistan tới thăm lại là Bắc Kinh, không phải Washington, chưa nói tới New Delhi, đã cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để các dự án tham vọng của Trung Quốc ở Pakistan có thể đơm trái ngọt, khu vực biên giới bất ổn ở phía Tây nước này, đáng chú ý là tại các tỉnh Baluchistan và Khyber Pakhtunkhwa cùng một số khu vực bộ tộc, cần phải được bình định.
Trung Quốc đã gây sức ép với Pakistan cần phải tích cực truy đuổi hơn nữa lực lượng Taliban ở Afghanistan và những kẻ truyền bá ý thức hệ của chúng, gồm các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thuộc lực lượng Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) có liên quan tới Al Qaeda, đang ẩn náu trong các khu vực trên. Trước đây, các chiến binh ETIM đã từ những vùng vô luật pháp này tổ chức nhiều cuộc tấn công vào tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Theo sau đó, một phần bởi sự hối thúc từ Bắc Kinh, quân đội Pakistan đã mở các hoạt động quân sự kéo dài 1 năm ở Bắc Waziristan, săn lùng nhiều tên khủng bố, gồm cả các thành viên ETIM. Thật không may, nhiều kẻ này đã lẩn trốn qua bên kia biên giới vào Afghanistan.
Gần đây, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa lực lượng Taliban và chính quyền Afghanistan, với lực lượng tình báo quân đội Pakistan cũng hiện diện.
Baluchistan cũng là một vấn đề lớn của Trung Quốc, với người lao động nước này từng bị các tay súng phiến loạn Baluch giết hại. Để trái việc tái diễn tình trạng này, chính quyền Pakistan sẽ gửi một sư đoàn lực lượng an ninh đặc biệt đi bảo vệ công nhân Trung Quốc trong tương lai.
Ngoài những khó khăn nêu trên, nếu (một chữ nếu rất lớn) CPEC trở thành hiện thực, đây sẽ là tin tốt lành với Pakistan, bởi nói giúp xử lý một số vấn đề lớn về kinh tế và phát triển của nước này.
Nói một cách khác thì CPEC ngăn không cho nhà nước Pakistan sụp đổ, một khả năng mà Trung Quốc không muốn xảy ra, do có thể gây tác động lớn tới khu vực. Tuy nhiên, trên phương diện địa chiến lược, sự thành công của CPEC sẽ chẳng phải là tin tức tốt lành gì với Mỹ.
CPEC sẽ giúp Trung Quốc chiếm chỗ của Mỹ, trong vai trò quốc gia đỡ đầu chính cho Pakistan. Quan trọng nhất, nó sẽ mang tới cho Trung Quốc một điểm đổ bộ vững chắc và đáng tin cậy về dài hạn tại khu vực Ấn Độ Dương, gần với Vịnh Ba Tư, qua đó về cơ bản đã khiến Trung Quốc thành một cường quốc trên hai đại dương.
Đây sẽ là điều Ấn Độ khó chấp nhận. Vì thế không lạ khi Ấn Độ đã bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ về CPEC. Nhưng câu hỏi còn quan trọng hơn cho các nhà hoạch định chính sách ở Washington là về mặt dài hạn, dự án khổng lồ này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự cắm chốt của Mỹ ở châu Á./.