Peru điều tra các cựu tổng thống nghi nhận hối lộ từ Odebrecht

Ba cựu lãnh đạo Peru đã nhận tiền từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử tổng thống, đổi lại tạo điều kiện cho công ty xây dựng lớn nhất Nam Mỹ này thắng thầu trong các dự án.
Cựu Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các công tố viên Peru mở cuộc điều tra nhằm vào 3 cựu tổng thống nước này gồm Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo với cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil, vốn đang là tâm điểm của vụ bê bối tham nhũng tại các nước Nam Mỹ, nhằm đưa vào quỹ tranh cử của mình.

Thông báo ngày 10/6 của các công tố viên nêu rõ ba cựu lãnh đạo Peru trên đã nhận tiền từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử tổng thống, đổi lại tạo điều kiện cho công ty xây dựng lớn nhất Nam Mỹ này thắng thầu trong các dự án.

Trước mắt, Công tố viên Jose Domingo Perez đã tiến hành cuộc điều tra sơ bộ đối với ba cựu Tổng thống Kuczynski, Garcia và Toledo với cáo buộc rửa tiền, đồng thời điều tra với những nhân vật thân cận với ba cựu chính khách này.

[Peru yêu cầu Mỹ dẫn độ cựu Tổng thống Alejandro Toledo]

Cuộc điều tra quy mô lớn trên diễn ra sau khi cựu lãnh đạo chi nhánh tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht tại Peru Jorge Barata, trong cuộc thẩm vấn với cơ quan điều tra, thừa nhận đã đưa hàng triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống nước này trong các kỳ tranh cử tổng thống từ năm 2001 đến năm 2016.

Cụ thể, trong cuộc bầu cử năm 2011, Odebrecht đã đưa hối lộ 1, 2 triệu USD cho Keiko Fujimori-con trai của cựu Tổng thống Alberto Fujimori; 700.000 USD cho ông Toledo và 300.000 USD cho ông Kuczynski.

Ông Barata cho biết thêm đồng minh thân cận trong chiến dịch tranh cử của ông Alan Garcia là Luis Alva Castro cũng đã được nhận 200.000 USD.

Ngoài 3 cựu lãnh đạo Peru trên, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra cựu Tổng thống Ollanta Humala (2011-2016) với cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD từ tập đoàn xây dựng Odebrecht.

Peru là quốc gia Nam Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vụ bê bối tham nhũng của tập đoàn Odebrecht, khiến nhiều quan chức cấp cao nước này rơi vào vòng lao lý.

Mới đây nhất, hồi tháng Ba, Tổng thống Kuczynski đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội và Viện Kiểm sát Peru đã cấm ông xuất cảnh do liên tiếp bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là sau khi xuất hiện một đoạn băng ghi hình cho thấy các chính trị gia và nghị sỹ ủng hộ ông Kuczynski dường như đang định “mua phiếu” của một số nghị sỹ đối lập nhằm tránh cho ông này nguy cơ bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục