"Phải mất nhiều tháng mới khống chế được dịch bệnh Ebola"

Giám đốc WHO phụ trách mạng lưới cảnh báo và ứng phó toàn cầu cho rằng sẽ phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi dịch bệnh Ebola có thể khống chế được.
Nhân viên tình nguyện trong trang phục bảo hộ chôn xác nạn nhân Ebola tại Waterloo, Sierra Leone. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tăng cường nỗ lực giúp một số nước châu Phi chống lại dịch bệnh Ebola có nguy cơ tràn sang những vùng lãnh thổ mới.

Phát biểu trước báo giới ngày 16/10, Giám đốc WHO phụ trách mạng lưới cảnh báo và ứng phó toàn cầu, bà Isabelle Nuttall cho rằng sẽ phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi dịch bệnh Ebola có thể khống chế được.

Trong thời gian đó, thế giới cần đảm bảo rằng chủng virus nguy hiểm này không lây lan sang nhiều nước khác.

Với số người chết tại các nước nằm trong vùng dịch ở Tây Phi đã vượt quá 4.500 người trong tuần này và số người nhiễm dự đoán sẽ hơn 9.000 người, bà Nuttall thừa nhận rằng virus gây tử vong cao này chắc chắn sẽ xuất hiện ở một số nước khác trong khu vực.

Theo bà Nuttall, khả năng một trường hợp nhiễm dịch là khó có thể tránh được, song làm thế nào để sau đó, mỗi nước không có thêm những trường hợp nhiễm mới.

Bà Nuttall nhấn mạnh mọi nỗ lực hiện nay đang đổ dồn vào Guinea Bissau, Senegal, Mali và Côte d'Ivoire, những nước có biên giới giáp với các quốc gia hiện là tâm điểm của dịch Ebola ở Tây Phi.

Ngoài ra, 11 nước khác ở châu Phi, như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gambia, Ghana, Mauritania, Nigeria, Nam Sudan và Togo... được chọn là những đối tượng nhận hỗ trợ đặc biệt phụ thuộc vào từng mức độ về địa lý hoặc quan hệ buôn bán với vùng dịch.

Bà Nuttall cho biết một nhóm nhân viên y tế của WHO sẽ tới những nước này để đánh giá kế hoạch phản ứng của họ cũng như trang thiết bị cần thiết, đồng thời tiến hành các khóa huấn luyện với tình huống giả định, các nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường dịch Ebola tấn công.

Phát ngôn viên WHO Stephane Dujarric cũng cảnh báo diễn biến dịch Ebola tại ba nước Tây Phi đang ngày một xấu đi, đặc biệt đội ngũ nhân viên y tế đang phải đối mặt với "hiểm họa" này khi có tới 427 ca nhiễm dịch và 236 ca tử vong.

Trong nỗ lực chung nhằm hỗ trợ các nước châu Phi chống dịch Ebola, ngày 16/10, nhóm nhân viên quân y của Anh, gồm 91 chuyên gia, bác sỹ và y tá về bệnh truyền nhiễm, đã tới Sierra Leone để giúp quốc gia Tây Phi này đối phó với dịch bệnh Ebola đang lây lan nhanh hiện nay.

Các nhân viên y tế của Anh sẽ điều hành một trung tâm điều trị ở Sierra Leone dành riêng cho các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm virus Ebola khi chăm sóc các bệnh nhân khác.

Trước đó, Anh cũng đã cử 40 quân nhân tới Sierra Leone trong nỗ lực nhằm giúp nước này kiểm soát dịch bệnh Ebola. Đây là những quân nhân đầu tiên trong tổng số 750 người mà Bộ Quốc phòng Anh dự kiến sẽ điều đến Sierra Leone như một phần trong gói cam kết mà Chính phủ Anh dành cho nước này.

Theo kế hoạch, tàu hậu cần Argus của Hải quân Hoàng gia Anh, với một bệnh viện được trang bị đầy đủ và 225 quân nhân, sẽ bắt đầu lên đường tới Sierra Leone trong ngày 17/10.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ xác minh hiệu quả của việc kiểm soát phòng chống Ebola tại các sân bay của ba quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này.

Ủy viên EU phụ trách y tế Tonio Borg đã khẳng định như vậy tại cuộc họp với các bộ trưởng y tế EU thảo luận biện pháp phối hợp phòng chống dịch Ebola.

Việc kiểm tra sẽ được tiến hành cùng với WHO nhằm tăng cường kiểm soát và cho phép truy tìm tốt hơn nguồn gốc những người mang virus tới EU, có thể từ Guinea, Sierra Leone hoặc Liberia.

Theo Bộ trưởng Y tế Italy Beatrice Lorenzin, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cần tăng cường kiểm soát ở mức cơ bản và đảm bảo trao đổi thông tin thu thập được liên quan đến hành khách nhằm theo dõi mọi di chuyển của khách du lịch đến từ các vùng dịch.

Các bộ trưởng cũng nhất trí thúc đẩy công tác thông tin về hành khách và nhân viên y tế liên quan đến các bước tiếp theo trong trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ủy ban châu Âu cũng cần xem xét liệu có thể sử dụng gói ngân sách dùng mua vaccine để mua các thiết bị y tế như găng tay, áo choàng, mặt nạ nhằm đối phó với Ebola hay không.

Liên quan vấn đề này, sau một tháng đi vào hoạt động, Quỹ tín thác Liên hợp quốc được thành lập nhằm tài trợ cho cuộc chiến chống dịch Ebola mới chỉ huy động được 100.000 USD trên tổng số 1 tỷ USD cần thiết.

Sau khi Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc ngày 16/9 công bố mức kinh phí của quỹ này, mới có 365 triệu USD được cam kết sẽ chuyển trực tiếp cho Liên hợp quốc để ngăn chặn dịch Ebola tại ba quốc gia tâm dịch. Song đến nay, mới có 100.000 USD được chuyển từ Colombia vào tài khoản của quỹ tín thác trên.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia có tiềm lực tài chính đóng góp cho quỹ này trước khi quá muộn. Ông khẳng định đây là việc làm đúng đắn và cần thiết xét về khía cạnh nhân đạo, y tế cộng đồng và kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục