Pháp cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 2, số ca nhiễm tại Mỹ giảm

Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng Khoa học, cơ quan cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19 cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ xuất hiện ở nước này vào tháng 11.
Du khách tham quan Tháp Eiffel ở Paris, Pháp ngày 7/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/8, một chuyên gia cố vấn của Chính phủ Pháp cảnh báo một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ xuất hiện ở nước này vào tháng 11 tới.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng Khoa học, cơ quan cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19, cho biết: "Có nhiều lo ngại rằng một làn sóng thứ hai sẽ xảy ra vào tháng 11."

Đến nay, số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp ở mức cao thứ 7 thế giới, với 30.544 ca. Ngày 25/8, nước này ghi nhận 3.304 ca nhiễm mới, trong đó số ca là thanh niên tăng mạnh.

Chính phủ nước này đang giám sát chặt các số liệu để cân nhắc việc áp dụng phong tỏa hay các biện pháp hạn chế phòng dịch khi cần.

Tại thành phố Marseille, chính quyền đã yêu cầu các quán rượu, nhà hàng rút ngắn thời gian mở cửa, và bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng trên toàn thành phố từ ngày 26/8-30/9.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản nâng mức cảnh báo đi lại đối với 13 quốc gia]

Trong khi đó, tại Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày đã có chiều hướng giảm bớt, với 43.000 ca/ngày, diễn biến mà giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng là hiệu quả của việc đeo khẩu trang thường xuyên hơn, nhưng cũng có thể do xét nghiệm chưa nhiều.

Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết số ca nhiễm mới trong ngày ở Mỹ hiện là gần 43.000 ca, giảm 21% so với thời điểm đầu tháng 8.

Trong khi Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất thế giới, xu hướng giảm bớt ở Mỹ được xem là đáng khích lệ.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học California ở San Francisco, Tiến sỹ Monica Gandhi nhận định: "Đây thực sự là tin đáng hy vọng."

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 trên bãi biển Huntington ở California (Mỹ) ngày 25/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bà, người dân Mỹ đang ngày càng hiểu về cách virus phát tán, lây lan và hiểu hơn sự cần thiết phải đeo khẩu trang.

Tiến sỹ Gandhi cũng cho rằng có thể tỷ lệ miễn dịch toàn dân đang tăng cao. Bà cho biết: "Hy vọng tất cả các yếu tố này cùng lúc sẽ giúp kiểm soát virus tại Mỹ."

Tuy nhiên, theo bác sỹ Jonathan Quick, người phụ trách công tác ứng phó dịch bệnh của Quỹ Rockefeller, việc xét nghiệm chưa đầy đủ có thể không phản ánh bức tranh toàn cảnh của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Ông khuyến cáo các cơ sở y tế trên cả nước cần thực hiện xét nghiệm cho 4 triệu người Mỹ mỗi ngày từ nay đến mùa Thu. Hiện trung bình mỗi ngày, các cơ sở y tế Mỹ thực hiện khoảng 690.000 xét nghiệm.

Ngày 26/8, truyền thông Indonesia cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở nước này vẫn tiếp tục gia tăng trong tháng qua.

Theo người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia - ông Wiku Adisasmito, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với COVID-19 hiện đạt 14%, tăng 0,7% so với hồi tháng 7.

Phát biểu họp báo, ông Wiku cho hay tỷ lệ nói trên vượt xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5% để bước vào giai đoạn "mức bình thường mới."

Mặt khác, ông Wiku cũng cho biết Indonesia hiện chưa đạt tỷ lệ xét nghiệm theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, WHO khuyến nghị cần tiến hành 1 xét nghiệm trên mỗi 1.000 dân mỗi tuần, tương đương với 267.700 xét nghiệm đối với Indonesia.

Tuy nhiên, hiện số lượng này mới chỉ đạt 95.463 xét nghiệm trong tuần qua, tương đương với 35,6% so với mức khuyến nghị của WHO.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 18/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Wiku khẳng định Chính phủ Indonesia đang nỗ lực để tăng tỷ lệ xét nghiệm PCR thông qua việc nâng cao năng lực và hiệu quả cho 320 phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

Ngày 26/8, Indonesia đã ghi nhận thêm 2.306 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp lây nhiễm ở quốc gia này lên 160.165 người, trong đó 6.944 ca tử vong.

Tuy nhiên, số liệu thống kê độc lập của các địa phương cho thấy số người thiệt mạng có thể cao hơn rất nhiều số liệu chính thức được chính quyền trung ương công bố.

Trước đó, tờ Tempo cho biết tính đến ngày 13/8, thủ đô Jakarta đã ghi nhận 4.041 thi thể được chôn cất theo các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn được tiến hành đối với những bệnh nhân dương tính, những bệnh nhân nghi nhiễm đã được lấy mẫu xét nghiệm song kết quả chưa được công bố, hoặc những người xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh song chưa được xét nghiệm.

Ngày 26/8, tờ Jakarta Post dẫn lời những người phụ trách mai táng ở Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia thuộc tỉnh Đông Java - cho biết số thi thể được chôn cất theo các quy định phòng chống COVID-19 tại hai nghĩa trang công cộng ở đây cũng đã lên đến 1.500 trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục