Nhà chức trách miền Tây Nam nước Pháp ngày 5/1 đã bắt đầu tiêu hủy hàng trăm nghìn con vịt khi chính phủ nước này đang nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm chủng virus H5N8 trên toàn châu Âu.
Biện pháp nói trên chủ yếu được triển khai trên các đàn vịt được chăn thả trong tự nhiên tại các khu vực Gers, Landes, Hautes-Pyrenees và Pyrenees-Atlantiques do các đàn vịt này có nguy cơ lây nhiễm virus H5N8 từ chim hoang dã.
Tuy nhiên, chủ các nông trại nuôi vịt lại cho rằng Chính phủ Pháp đã phản ứng chậm trễ trong việc triển khai các biện pháp dập dịch ngay từ khi bắt đầu bùng phát, khiến dịch bệnh lây lan và khiến số lượng gia cầm bị tiêu hủy quá lớn, gây thiệt hại cho chính những người chăn nuôi.
Mặc dù Chính phủ Pháp cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ về tài chính cho chủ trang trại có các đàn gia cầm bị tiêu hủy, nhưng một số người phàn nàn họ chưa được nhận đủ khoản bồi thường như cam kết sau đợt bùng phát dịch tương tự hồi năm 2015, từng khiến ngành chăn nuôi gia cầm của Pháp bị thiệt hại khoảng 500 triệu euro.
Trước đó, kể từ tháng 12 năm ngoái, một số đợt tiêu hủy cũng đã được áp dụng khi bùng phát một đợt dịch cúm gia cầm H5N8 khiến các nhà sản xuất các sản phẩm từ gan ngỗng gặp nhiều khó khăn do gần sát thời điểm quan trọng mùa lễ Giáng sinh.
Theo thống kê của Chính phủ Pháp từ tháng 10/2016, nhà chức trách đã phát hiện các trường hợp gia cầm nhiễm và nghi nhiễm virus H5N8 tại ít nhất 13 quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary và Thụy Điển.
Virus cúm H5N8 chưa được phát hiện ở người, song hàng triệu con gia cầm ở châu Á, chủ yếu ở Hàn Quốc, bị tiêu hủy hồi năm 2014, trước khi lan sang châu Âu. Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới cảnh báo dịch cúm gia cầm H5N8 có thể dễ xảy ra ở châu Âu do chim hoang dã có thể làm lây lan virus khi di cư xuống phía Nam./.