Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 20/1 cho biết, Paris sẽ thúc đẩy một mức thuế riêng của nước này lên các tập đoàn công nghệ và Internet bằng cách giới thiệu một dự luật, dự kiến có hiệu lực hồi tố từ ngày 1/1/2019.
Trả lời phỏng vấn tuần báo Journal du Dimanche, Bộ trưởng Le Maire nói rằng Chính phủ Pháp đang nghiên cứu xây dựng một mức thuế áp lên các công ty cung cấp dịch vụ Internet có doanh số hơn 750 triệu euro (khoảng 850 triệu USD) trên toàn cầu và 25 triệu euro tại Pháp. Nếu không đáp ứng hai điều kiện này, các công ty sẽ không bị áp thuế.
Bộ trưởng Le Maire cho hay mức thuế mới nói trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và thay đổi tùy theo doanh số bán của các công ty với mức tối đa là 5%. Theo ông Le Maire, dự thảo luật sẽ được trình lên chính phủ vào cuối tháng 2/2019 và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian sớm nhất.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cố gắng hoàn thiện một chính sách thuế chung áp lên các tập đoàn công nghệ trên toàn khối.
Pháp đã nỗ lực thúc đẩy thông qua cái gọi là "thuế GAFA" - được đặt theo chữ cái đầu của bốn cái tên nổi tiếng Google, Apple, Facebook và Amazon - nhằm đảm bảo các “đại gia” Internet toàn cầu chi trả mức thuế hợp lý cho các hoạt động kinh doanh khổng lồ của họ tại thị trường châu Âu.
[Những tác động từ chính sách kiểm soát đầu tư vào công nghệ Mỹ]
Bộ trưởng Le Maire gọi đây là "một vấn đề lớn trong thế kỷ 21." Ông nói rằng việc áp thuế công nghệ trên toàn châu Âu cũng có thể diễn ra vào cuối tháng 3/2019, sau khi các nước đã đi đến một thỏa hiệp hồi tháng 12/2018 với Đức và Pháp về vấn đề này.
Theo kế hoạch mới nhất do Pháp và Đức đề xuất, các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ chịu mức thuế 3% đối với doanh thu từ quảng cáo, mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất.
Hiện nay, Google và Facebook đang thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến tại châu Âu.
Đề xuất thuế trên cần nhận được ủng hộ của 28 thành viên EU.
Tuy nhiên một số quốc gia có mức thuế thấp và đang hưởng lợi nhờ hoạt động chốt lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ lại tỏ ra khá dè dặt về dự luật này./.