Pháp tiếp tục phản đối việc NATO mở văn phòng ở Nhật Bản

Đưa ra lý do phản đối, ông Macron nói rằng: "Chúng ta không nên tạo ấn tượng rằng NATO bằng cách nào đó đang xây dựng tính hợp pháp và sự hiện diện được thiết lập về mặt địa lý ở các khu vực khác.”
Pháp tiếp tục phản đối việc NATO mở văn phòng ở Nhật Bản ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục bày tỏ lập trường phản đối đối với kế hoạch mở văn phòng ở Nhật Bản của NATO.

Theo ông Macron, NATO cần tập trung vào khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Ông giải thích: "Dù người ta nói gì, địa lý là không thể di chuyển... Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là Bắc Đại Tây Dương, vì vậy chúng ta không nên tạo ấn tượng rằng NATO bằng cách nào đó đang xây dựng tính hợp pháp và sự hiện diện được thiết lập về mặt địa lý ở các khu vực khác.”

[NATO và Nhật Bản hợp tác đối phó với các thách thức an ninh]

Một văn phòng của NATO tại Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nỗ lực của liên minh quân sự này nhằm mở rộng hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà theo NATO đây là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự năm 2030 của tổ chức.

Việc mở rộng quan hệ trong khu vực cũng được đề cập trong Sách Trắng năm 2022 của NATO, nhằm “giải quyết các thách thức xuyên khu vực và các lợi ích an ninh chung."

Văn phòng này cũng sẽ cho phép liên minh quân sự này tăng cường hợp tác với không chỉ Nhật Bản mà cả các cường quốc khu vực khác như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Cả Australia và New Zealand đều cam kết tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực với Nhật Bản vào năm 2022, và lãnh đạo của cả hai nước cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO trong hai năm qua.

Trước đó, hồi tháng Năm, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Tokyo đề nghị NATO mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản là nhằm đối phó với những thách thức an ninh mới nổi trong khu vực, nhất là từ sau khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, cũng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên...

Ông cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra tác động xuyên biên giới ở châu Âu, khiến thế giới ngày càng bất ổn hơn, qua đó buộc Nhật Bản phải tính toán lại thế trận an ninh của mình trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.