Trước những thông tin liên quan về việc Nhà nước phát hành Trái phiếu Chính phủ liệu có cạnh tranh với huy động vốn của thành phần kinh tế khác, bà Trịnh Vân Anh, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, Trái phiếu Chính phủ chỉ là một kênh huy động trong nhiều nguồn khác nhau.
Hiện tại các nền kinh tế phát triển, Chính phủ các nước này vẫn thực hiện phát hành trái phiếu để duy trì thị trường tài chính. Có những ý kiến như trên là bởi thông tin về vấn đề này chưa thường xuyên, kịp thời.
Cũng theo bà Vân Anh, cuối tháng Chín vừa qua, Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng kế hoạch huy động vốn lên 31.700 tỷ đồng bởi tình hình kinh tế vĩ mô năm 2016 tương đối ổn định.
Mức lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn nhất là đối với việc phát hành Trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề này có sự điều chỉnh kịp thời. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới thị trường Trái phiếu Chính phủ của Việt Nam.
Đến ngày 15/9, về cơ bản, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành khối lượng Bộ giao là 250.000 tỷ đồng trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển.
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho thấy, việc huy động vốn của cơ quan này trong năm 2016 đạt được những kết quả khả quan. Tính đến hết ngày 7/12/2016, tổng khối lượng huy động đạt 281.294,09 tỷ đồng; bằng 99,9% kế hoạch năm.
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước phát hành đa dạng các loại kỳ hạn Trái phiếu Chính phủ từ 3 năm đến 30 năm; trong đó, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn từ 5 năm trở lên nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình trái phiếu, đồng thời, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, việc trao đổi với các thành viên thị trường được thực hiện thường xuyên để nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.../.