Ăn các loại quả hạch và quả đầu là nguyên nhân chính gây nên các bệnh răng miệng ở người tiền sử.
Đây là nghiên cứu của một nhóm khoa học gia người Anh đăng tải trên tạp chí của Viện Khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 6/1.
Theo nhóm chuyên gia trên, thành phần carbohydrate lên men trong các loại quả hạch là nguyên nhân gây ra sâu răng, hôi miệng và nhiều bệnh nha khoa khác.
Kết luận trên rút ra dựa trên nghiên cứu giải phẫu phần hàm của người tiền sử Iberomaurusian tìm thấy trong hang Taforalt tại Maroc.
Các nhà khoa học đã sử dụng máy gia tốc phương pháp khối phổ (một kỹ thuật dùng để đo đạc và tìm ra thành phần của một chất) để xác định tuổi của các di cốt và kính hiển vi để xác định các hóa thạch thực vật tìm thấy trong 52 bộ răng của người tiền sử trưởng thành.
Nghiên cứu đã phát hiện "tỷ lệ cao không ngờ", khoảng 51%, của tình trạng mục xương trong răng người tiền sử Iberomaurusian.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Louise Humphrey của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, đây là lần đầu tiên giới khoa học có phát hiện về thói quen ăn uống của người Iberomaurusian và cũng là bằng chứng cổ xưa nhất về hoạt động nông nghiệp sơ khai của cộng đồng săn bắn-hái lượm châu Phi.
Phát hiện mới cũng đã chứng minh rằng sự xuất hiện của bệnh nha khoa trong lịch sử loài người sớm hơn nhiều (khoảng vài nghìn năm) so với quan điểm lâu nay của giới khoa học cho rằng loại bệnh này bắt đầu xuất hiện khoảng 10.000 năm trước, trong nền văn minh nông nghiệp khi con người bắt đầu sử dụng thực phẩm chế biến.
Người Iberomaurusian sinh sống tại Taforalt khoảng 13.000-15.000 năm trước, được miêu tả là một cộng đồng tiến hóa cao biết tổ chức các nghi thức chôn người chết, dùng đá mài để sơ chế thức ăn và có hoạt động hái lượm và trữ hạt khô./.