Phát hiện nhiều vi phạm trong việc sử dụng bức xạ hạt nhân

Có 84 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trên toàn quốc bị xử phạt với tổng số tiền là 552 triệu đồng trong cuộc thanh tra chuyên đề của ngành khoa học và công nghệ.
Những nguồn phóng xạ di động nguy hiểm sẽ được gắn thiết bị giám sát. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Kết quả của cuộc thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, có 84 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền là 552 triệu đồng.

Báo động mất an toàn

Báo cáo tổng kết Thanh tra chuyên đề năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra ngày 1/12 cho thấy, tính tới cuối 2016, cả nước có 1121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3932 nguồn.

Tính trung bình, mỗi năm cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ hạt nhân kiểm tra được 120 cơ sở (chiếm tỷ lệ 10,7%) tổng số cơ sở sử dụng phóng xạ trong cả nước. Như vậy, với tiến độ này và không có gì biến động thì phải 10 năm một cơ sở có nguồn phóng xạ mới được… kiểm tra lại.

[Thanh tra diện rộng về kiểm soát hoạt động sử dụng bức xạ hạt nhân]

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Quá trình chuyển giao hoạt động giữa các chủ thể quản lý nguồn phóng xạ đã gây ra nhiều sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ.

Trong năm 2015-2016, toàn quốc đã xảy ra một số vụ mất nguồn phóng xạ do ý thức chấp hành không nghiêm của các tổ chức, cá nhân sử dụng như vụ tại Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Công ty phổ phần thép Polima (Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2015) hay vụ mất nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn (DATC, năm 2016).

Đây là lý do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định tiến hành thanh tra toàn quốc trong năm 2017 với nội dung chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ.

Kết quả cho thấy, có 56/63 tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thanh tra. 7 tỉnh không thực hiện là Bắc Giang, Hà Nam, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Quảng Bình, Tuyên Quang và Sơn La.

Kết quả cho thấy, có 880 cơ sở được thanh tra (589 cơ sở có nguồn phóng xạ và 291 cơ sở X-quang). Theo đó, có 84 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, chiếm 9,55% (58 cơ sở có nguồn phóng xạ, 26 cơ sở X-quang). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 552 triệu đồng.

Các vi phạm chủ yếu là không khai báo giấy phép tiền hành các công việc bức xạ; không lập, lưu giữ hồ sơ an toàn bức xạ; thiếu chứng chỉ nhân viên bức xạ; thiếu kiểm soát liều chiếu xạ; không kiểm đếm nguồn phóng xạ; không lập kế hoạch ứng phó sự cố; thiếu chỉ dân an tòa, an ninh, cảnh báo bức xạ; không báo cáo định kỳ hàng năm…

“Ngoài xử phạt tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ; buộc bổ nhiệm người phụ trách an toàn…,” đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày kết quả cuộc thanh tra Chuyên đề. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu?

Cũng theo đánh giá của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay một số địa phương chưa tiến hành thanh tra hết các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn quản lý. Kết quả thanh tra của một số địa phương chưa tốt, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm; ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn bức xạ của nhiều tổ chức trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu chưa nghiêm túc.

Theo đại diện Cục An toàn bức xạ hạt nhân, hệ thống dữ liệu về các cơ sở sử dụng, lưu giữ, xuất/nhập khẩu nguồn phóng xạ hiện này còn thiếu chính xác, không được cập nhật về thông tin, số lượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tình trạng, địa điểm hoạt động, thông tin liên hệ… của các cơ sở.

Cùng lúc, chưa có sự chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân dẫn đến khó khăn trong phối hợp quản lý, triển khai thanh kiểm tra…

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, những tồn tại được chỉ ra trong cuộc thanh tra này là thách thức cần cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân phải có các giải pháp trong thời gian tới.

Từ kết quả thanh tra này, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị sự phối hợp giữa các cấp, ngành để kiểm tra an toàn bức xạ hạt nhân và an ninh phóng xạ. Ủy ban Nhân dân các địa phương cần chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra về an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn.

Cùng lúc, Cục An toàn bức xạ hạt nhân phải xây dựng và cập nhật dữ liệu nguồn phóng xạ quốc gia thường xuyên, chia sẻ dữ liệu cho địa phương theo dõi, quản lý. Khi cấp phép sử dụng và vận chuyển cho các đơn vị di động cần báo cho các địa phương để kịp thời nắm bắt và quản lý…

Về phía mình, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất sửa đổi văn bản chính sách trong Luật năng lượng nguyên tử về trách nhiệm đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp phép tiến hành công việc bức xạ.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ định kỳ hằng năm gửi về cơ quan quản lý không trung thực; chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục