Phía sau chuyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở Mường Lát

Cuối năm 2013 và 2014, nhiều hộ gia đình người Mông ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá) đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Câu chuyện phía sau cũng không kém phần thú vị.

Chỉ mới vài năm trước, bản Poọng vẫn là một điểm nóng về tệ nạn ma tuý, số người nhiễm HIV và tỷ lệ hộ nghèo (chiếm đa số). Nhiều hộ dân ở bản này sống chủ yếu nhờ vào hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ, doanh nghiệp… chứ không tích cực lao động sản xuất.

Thế nhưng, 2 năm gần đây, một “khuôn mặt mới” đang hình thành tại bản Poọng – nơi được coi là nghèo nhất của một trong những huyện nghèo nhất cả nước.

Ông Cao Văn Cường Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Ý thức của bà con về việc tự vươn lên sản xuất để thoát nghèo đã thay đổi rất nhiều. Rất nhiều bà con đã hăng say trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng… để có sinh kế bền vững chứ không dựa vào hỗ trợ hay cứu đói như trước.”

Vị chủ tịch huyện cho biết thêm, năng suất lúa lai của bản Poọng luôn đứng đầu toàn huyện nhờ bà con tiếp thu tốt các mô hình trồng trọt mới.

Vào bản Poọng trước đây chỉ là đường đất, giờ đã được rải đá và năng suất lúa nơi đây cao nhất toàn huyện Mường Lát

Ngoài những đổi thay ở bản Poọng, cuối năm 2013 và 2014, nhiều hộ gia đình người Mông ở Mường Lát đã làm đơn xin tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Việc người dân “nói không” với hỗ trợ của Chính phủ, từ các chương trình cấp phát cho người nghèo phản ánh sự thay đổi về cách nghĩ trong việc vươn lên trong cuộc sống.

“Không cam chịu, phải vươn lên thoát đói nghèo bằng chính sức lực của mình là điều mọi người khác có thể học được từ những tấm gương điển hình này”, ông Cường nói.

Người lãnh đạo của huyện nghèo vùng cao chia sẻ thêm, ngoài việc tuyên truyền vận động, cách làm mới trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững cũng là nhân tố quan trọng.

Trước đây, do chỉ hỗ trợ vật chất, nhiều bà con cứ trông chờ vào đó và ít tự vận động nên nghèo đói trở thành vòng luẩn quẩn. Kể từ khi cách xoá nghèo bền vững của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) được đưa vào thì mọi việc có đổi khác.

“Họ hỗ trợ xoá nhà tranh tre nứa lá, giúp bà con chỗ ở kiên cố ổn định để yên tâm làm ăn. Bên cạnh đó, họ cung cấp giống cây trồng cùng việc phổ biến kỹ thuật canh tác, mô hình sản xuất… giúp bà con sinh kế làm ăn chứ không phải là cho gạo, thịt…. Đây chính là việc tạo ra cần câu cho người nghèo”, ông Cường cho biết.

Ngoài ra, Viettel còn đem đến cho một số hộ đặc biệt nghèo một sinh kế quan trọng – bò giống lai sind. Ở vùng đất nghèo này, một con bò giá tới hơn 10 triệu là một gia tài lớn, đồng thời là một sinh kế quý báu.

“Lứa bò giống tốt mà Viettel tặng bà con 2 năm trước giờ đã sinh sản và bắt đầu cho những hiệu quả tốt cho hộ được nhận. Đây thực sự là một điểm khác biệt”, Chủ tịch Mường Lát tiết lộ.

Chưa hết, tập đoàn vốn nổi tiếng về các chương trình xã hội còn đem đến các chương trình học bổng trị giá hàng tỷ đồng cho học sinh nghèo, xây dựng trạm xá, mua tặng xe cứu thương… để giúp việc chăm sóc sức khoẻ, học tập của người dân và con em được cải thiện.

Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác xoá đói giảm nghèo của huyện, ông Cao Văn Cường cho biết : “Những chiếc cần câu mới đã giúp cho người nghèo ở Mường Lát thay đổi và có một tương lai bền vững hơn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục