Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc tiếp thu chỉnh lý ba dự án luật; xem xét, cho ý kiến, quyết định 7 nhóm nội dung theo thẩm quyền.
Quang cảnh Phiên họp thứ 20. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 13/2, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp diễn ra trong ba ngày với các nội dung lớn, quan trọng, gồm: cho ý kiến việc tiếp thu chỉnh lý ba dự án luật: dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nghiên cứu, cho ý kiến để dự án luật này có nội dung càng chi tiết càng tốt, khắc phục tối đa luật khung, luật ống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được ban hành lâu và có nhiều yếu tố mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung tiếp thu, nội dung tiếp tục giải trình ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua; đồng thời nêu ý kiến về việc có cần thiết tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) hay không.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định 7 nhóm nội dung theo thẩm quyền: xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; xem xét, cho ý kiến ba dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

[Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc; xem xét việc giao danh mục, mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết hai Kỳ họp bất thường lần thứ hai và lần thứ ba; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thẩm quyền.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu khách mời dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thời gian diễn ra Phiên họp chỉ có ba ngày nhưng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để phiên họp có chất lượng cao nhất.

Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục