Phim kinh dị “Quỷ cẩu” truyền thông điệp về quả báo trong cuộc sống

Phim mượn truyền thuyết truyền miệng "Chó đội nón mê" - truyện dân gian chủ yếu tồn tại ở khu vực Bắc Bộ - để cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trong một gia đình hành nghề bán thịt chó.
Dàn diễn viên và không khí phim được mô tả qua poster. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Cuối năm 2023, thể loại thống trị tại rạp Việt là các tựa kinh dị từ trong và ngoài nước. Trong số này Việt Nam có 4 phim. Tác phẩm hiện đang gây chú ý trong số đó là “Quỷ cẩu” của đạo diễn lần đầu xuất hiện Lưu Thành Luân.

“Quỷ cẩu” được chú ý nhờ đề cập vấn đề gây tranh cãi: "Có nên ngừng ăn thịt chó?" đồng thời khai thác chất liệu dân gian. Đến nay sau gần 5 ngày ra mắt sớm, phim đã thu gần 17,6 tỷ đồng, được xếp số suất chiếu tương đối lớn (hơn 1.600 suất mỗi ngày), chỉ sau bom tấn "Aquaman" (khoảng hơn 3.000 suất)

Chuyện phim xoay quanh gia đình nọ hành nghề mổ chó, có danh tiếng thứ nhì trong vùng. Gia đình này vừa trở thành lò mổ chó lớn nhất, do nhà “số 1” trước đó đã gặp biến cố lớn. Dần dần gia đình này cũng gặp loạt tai ương, nghiệp báo tương tự do những con chó gây ra.

Một nguyên nhân khác được hé lộ. Gia đình này không chỉ giết mổ, bán thịt chó, mà còn phạm nhiều trọng tội như tà dâm, hãm hại, giết người diệt khẩu với chính người trong gia đình mình.

Điều này được khẳng định gián tiếp qua việc gắn thêm truyền thuyết dân gian “Chó đội nón mê” vào phim. Theo sách “Ma quỷ dân gian ký” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) “Chó đội nón mê” có hình dạng một con chó đội chiếc nón lá cũ nát, đi hai chân, chống gậy như người và dọa ma vào buổi đêm.

Giống "chó ta" lông trắng mũi hồng/đỏ được quỷ dị hóa. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

"Chó đội nón mê" mang đến nhiều điềm dữ, trong đó báo hiệu sự xuống cấp về đạo đức trong một gia đình, của con người. Truyền thuyết linh dị này tồn tại ở vùng nông thôn miền Bắc, song phim lấy bối cảnh ở vùng Nam Bộ.

Một số ý kiến khán giả cho rằng “Quỷ cẩu” chưa giúp diễn giải một cách thuyết phục lý do không nên ăn thịt chó, mà chỉ đưa thông điệp có phần cảm tính như: “Chó là bạn, không phải thức ăn” hay “Con người có sự lựa chọn, còn con chó thì không.”

Trên thực tế, tranh luận xoay quanh việc thịt chó từ lâu đã gây tranh cãi với nhiều lý lẽ khác nhau. Có người cho rằng chó cũng là một nguồn cung thịt giống như bò, lợn, gà; hoặc không phải lò mổ nào cũng kinh doanh chó bị trộm mà lấy từ lấy trang trại chuyên nuôi lấy thịt… khiến nhiều người đặt ra câu hỏi "Vậy thì vì sao phải cấm?"

Bên cạnh đó cũng có những khuyến cáo về hiểm họa an toàn vệ sinh thực phẩm từ giới chuyên môn; hay những câu chuyện đầy xúc động về tình cảm giữa chó và người… Nhưng phim của đạo diễn Lưu Thành Luân mới tập trung việc xây dựng "nghiệp" cho các nhân vật và để họ chịu quả báo.

Thầy pháp do diễn viên Kiến An vào vai, trục lợi từ nghi thức giải nghiệp. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

“Quỷ cẩu” có dàn diễn viên thực lực, diễn tròn vai như Nghệ sỹ Nhân dân Kim Xuân, Kiến An, Hạnh Thúy, Quang Tuấn, Nam Thư (phía Nam). Hai diễn viên miền lần đầu xuất hiện trên màn ảnh lớn như Vân Dung, Quốc Quân cũng gây chú ý cho khán giả phía Bắc. Cặp diễn viên được nhân xét là diễn tự nhiên, hợp vai.

"Quỷ cẩu" có nỗ lực dùng kỹ xảo để tạo hiệu ứng về ma quỷ nhưng chưa thực sự thuyết phục, vẫn dùng một số "miếng" hù dọa gây giật mình không còn mới mẻ như kéo chân. Phim tạo không khí rùng rợn bằng nghi thức yểm bùa trừ tà đậm chất tâm linh, các hành động chặt thịt, cắt tiết động vật man rợ của con người...

“Quỷ cẩu” ra mắt sớm từ tối 22/12 và đang tiếp tục được chiếu tại rạp.

Trailer phim "Quỷ cẩu"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục