Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm các trường đại học Australia

Ngày 27/4, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới thăm nhiều trường học, trung tâm hay các tổ chức tại Australia.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao đổi với bà Marie Bashir, nguyên Thống đốc bang New South Wales. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu đang diễn ra tại Sydney (Australia), ngày 27/4, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới thăm trường Đại học New South Wales, Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Năng lượng Mặt trời và Trung tâm Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học New South Wales; thăm Đại học Sydney và trường Y thuộc Đại học Sydney và Quỹ Học Mãi – một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Trường Y Đại học Sydney nhằm tăng cường giáo dục y tế cho Việt Nam.

Qua trao đổi, Hiệu trưởng Đại học New South Wales cho biết từ những năm 50 của thế kỷ trước, trường đã đón nhận nhiều sinh viên ưu tú đến từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam theo diện Kế hoạch Colombo - chương trình học bổng do Chính phủ Australia tài trợ. Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại trường ngày càng tăng, hiện vào khoảng 500 người và cho đến nay, trường đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu Việt Nam xuất bản hơn 40 ấn phẩm nghiên cứu.

Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng các thành tựu của nền giáo dục tiên tiến của Australia; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục của Australia, trong đó có Đại học New South Wales, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Việt Nam; đề nghị trường tiếp tục duy trì các hình thức hợp tác hiệu quả với các cơ quan hữu quan và cơ sở giáo dục-đào tạo của Việt Nam, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm giáo dục-đào tạo, giao lưu, trao đổi giảng viên/sinh viên, xây dựng chương trình/nội dung giảng dạy; tăng số lượng học bổng cao học cho sinh viên Việt Nam; phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước tại trường...

Tại Trung tâm Biến đổi Khí hậu, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm; cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên đặc biệt coi trọng và ủng hộ các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện các thỏa thuận khí hậu quốc tế trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, nhất là Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Paris. Lãnh đạo trung tâm khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong giải quyết các thách thức do biến đối khí hậu gây ra.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã có cuộc giao lưu ngắn với các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học và nghiên cứu tại Đại học New South Wales. Phó Chủ tịch nước căn dặn các sinh viên tuân thủ pháp luật sở tại, tu dưỡng và học tập tốt, trở thành các sứ giả đích thực cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Australia.

[Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị phụ nữ toàn cầu]

Tại Đại học Sydney, Phó Chủ tịch nước đánh giá các hợp tác của trường với Việt Nam, đặc biệt trường Y thuộc Đại học Sydney từ lâu đã trở thành điểm đến được kỳ vọng của nhiều sinh viên Việt Nam, với mong muốn được học tập, nghiên cứu và áp dụng các phương thức tiên tiến nhất để chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước vui mừng được gặp bà Marie Bashir, người bảo trợ Quỹ Học Mãi, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Bà Marie Bashir cho biết, kể từ khi được thành lập năm 1997, Quỹ Học Mãi đã phối hợp với trường Y Đại học Sydney triển khai nhiều hoạt động trao đổi giáo dục, hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực y tế cho Việt Nam. Trong hơn 19 năm qua, hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, bác sỹ Việt Nam đã có cơ hội sang Australia học tập bằng các học bổng Chính phủ và các học bổng do Trường và Quỹ cung cấp, mang những kiến thức học được quay về Việt Nam đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược vừa được thiết lập, hai nước sẽ có nhiều cơ hội triển khai hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có y tế; mong muốn Trường Y và Quỹ Học Mãi sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội mở rộng liên kết và hợp tác với các đối tác Việt Nam, để người dân Việt Nam được điều trị bệnh với chi phí thấp hơn nhưng vẫn được sử dụng các công nghệ tiên tiến của Australia.

Tối cùng ngày, Phó Chủ tịch nước đã tham dự lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam và sự kiện “Dệt nên Triều đại” giới thiệu trang phục Hoàng triều thời Hậu Lê. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao các hoạt động của Trung tâm nhằm giữ gìn bản sắc và truyền thống dân tộc; tin rằng các hoạt động này sẽ có sức lan tỏa mạnh, đưa lịch sử và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người dân Australia, qua đó tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau, nhất là trong năm hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018).

Lãnh đạo trung tâm cho biết, tuy vừa thành lập nhưng các thành viên đều mong muốn mở rộng hoạt động và mạng lưới cộng tác tại Australia, Việt Nam cũng như các nước khác nhằm quảng bá văn hóa và hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè Australia và quốc tế.

Cho rằng việc gìn giữ và truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ con cháu kiều bào là hết sức cần thiết, Phó Chủ tịch nước mong muốn trung tâm trao đổi, đề xuất thêm với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney về các hình thức dạy tiếng Việt phù hợp trong cộng đồng, kể cả nêu với Chính quyền bang New South Wales đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy chính thức của một số trường có đông học sinh gốc Việt theo học.

Tiếp tục các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 28 tại Sydney, ngày 27/4, đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu, tiếp tục tham gia các phiên thảo luận chung và các phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị. Các đại biểu tập trung thảo luận về những phát triển mới của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở một số quốc gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng hợp tác, liên kết kinh tế là xu hướng không thể đảo ngược và các quốc gia cần tận dụng những cơ hội do tiến trình này mang lại, thay vì lựa chọn các chính sách hướng nội, bảo hộ thương mại.

Ngoài các phiên thảo luận về bảo đảm bình đẳng giới, tăng cường cơ hội cho phụ nữ trong kỷ nguyên số và Cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị còn có các phiên thảo luận hẹp về nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh. Các nữ doanh nhân Việt Nam tham gia tích cực vào các phiên họp xây dựng mạng lưới nữ doanh nhân, kinh doanh với Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục