Phó Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm Pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng

Phó Tổng thống Harris sẽ hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đề cập đến loạt đề xuất của Tổng thống Biden về việc Mỹ hỗ trợ lực lượng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đặt chân tới Paris, bắt đầu sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ với Pháp sau khi xảy ra bất đồng giữa hai quốc gia đồng minh này liên quan việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.

Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 4 ngày, Phó Tổng thống Harris sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 10/11.

Bà Harris sẽ đề cập đến loạt đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, như việc Mỹ hỗ trợ lực lượng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel hay kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ cho các nước châu Âu.

Ngoài ra, Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris vào ngày 12/11 cùng nhiều lãnh đạo thế giới. Nội dung của sự kiện này xoay quanh sự hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, trước khi trở về Washington, bà Harris cũng tham gia Hội nghị đa phương về Libya vào ngày 13/11 nhằm thúc đẩy cuộc bầu cử hòa bình tại nước này, qua đó giúp giảm thiểu dòng người di cư đổ tới châu Âu.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tham dự lễ tưởng niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài thứ ba của bà Harris trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ.

[Pháp dự định tái khởi động hợp tác với Mỹ sau căng thẳng AUKUS]

Phát biểu với phóng viên trước chuyến thăm, một quan chức Mỹ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, cũng như mối quan xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và các nước châu Âu và đây cũng là nội dung mà Tổng thống Joe Biden, khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, đã nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử của mình.

Tháng Chín vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã quyết định thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS), dẫn tới việc Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá nhiều chục tỷ USD. Thay vào đó, nước này sẽ mua ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.

Pháp đã phản ứng khá gay gắt, gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng" và triệu hồi đại sứ của mình tại Washington và Canberra về nước.

Gần đây, Mỹ liên tục có các động thái nhằm hàn gắn quan hệ với Pháp, trong đó có chuyến thăm Paris của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục