Quan chức Triều Tiên phụ trách về vấn đề Mỹ thăm Nga

Bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã bắt đầu chuyến thăm Nga trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng.
Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Ngày 25/9, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã bắt đầu chuyến thăm Nga trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc cho biết theo kế hoạch, tại Moskva, bà Choe sẽ hội đàm với ông Oleg Burmistrov, Đại sứ lưu động của Nga, người đã có chuyến thăm Triều Tiên vào cuối tháng Bảy vừa qua.

Đài Phát thanh-truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin phái đoàn của bà Choe Son-hui đã dừng chân tại một sân bay ở Vladivostok của Nga và hiện chưa rõ chương trình cụ thể của chuyến thăm này.

Chuyến thăm của bà Choe Son-hui diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang leo thang sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng này và sau việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục đưa ra những lời tuyên bố mạnh mẽ về khả năng chiến tranh.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến đi này là một phần của ý định của Nga trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong các nỗ lực giải quyết tình trạng đối đầu liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

[Chuyên gia lo ngại tên lửa đạn đạo Triều Tiên gắn chất độc VX]

Trước tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh khẳng định phía Trung Quốc đã tuyên bố nỗ lực hết sức để thuyết phục Triều Tiên không phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng hiệu quả của các nỗ lực này là rất hạn chế.

Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết Trung Quốc gặp khó khăn trong việc liên lạc với Triều Tiên do kênh liên lạc cấp cao giữa hai bên về thực chất đã bị gián đoạn sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử hạt nhân và tên lửa.

Cuộc tiếp xúc đáng kể gần đây nhất là “cuộc đối thoại chiến lược” giữa Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan và người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại vào tháng 6/2013 để thảo luận việc mở lại các cuộc đàm phán 6 bên.

Tình hình trên Báo đảo Triều Tiên tiếp tục "nóng" lên sau khi Mỹ và Triều Tiên đưa ra những lời lẽ đe dọa lẫn nhau.

Sau phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, trong đó cảnh báo Mỹ sẽ "hủy diệt" Triều Tiên nếu bị đe dọa, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sau đó đã lên tiếng chỉ trích và cảnh báo Triều Tiên sẽ có "hành động ngăn chặn không thương tiếc" nếu Mỹ có bất cứ dấu hiệu nào của "chiến dịch tấn công nhằm vào các cơ quan đầu não hoặc tấn công quân sự chống Triều Tiên."

Trước đó, ông Ri Yong-ho cũng cảnh báo Triều Tiên có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) ở Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ.

Tuy nhiên, đánh giá về khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng điều này khó xảy ra.

Phát biểu ngày 24/9 khi trả lời phỏng vấn kênh đài truyền hình NTV của Nga, ông Lavrov nhận định Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên bởi không phải họ nghi ngờ, mà họ biết chắc rằng Triều Tiên có bom hạt nhân.

Cũng theo quan chức ngoại giao Nga, cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận mềm mỏng hơn.

Ông cảnh báo nếu Mỹ không làm như vậy, hậu quả sẽ rất khôn lường mà hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, người vô tội ở Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản sẽ phải hứng chịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục