Ngoại trưởng Anh Liz Truss và cựu Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak - 2 ứng cử viên trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh - đã đưa ra các chính sách đối với Scotland trước khi tiến hành tranh luận ngày 16/8.
Theo hãng tin Reuters, 2 ứng cử viên này đều chủ trương giữ Scotland trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, theo đó tăng kiểm soát đối với chính quyền Scotland để đẩy lùi các nỗ lực thúc đẩy độc lập cho vùng lãnh thổ này.
Sự gắn kết trong Vương quốc Anh gồm 4 thực thể - England, Scotland, Wales và Bắc Ireland - trong những năm vừa qua chịu nhiều sức ép do ảnh hưởng của việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và bất đồng liên quan các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của chính quyền trung ương.
Đảng Dân tộc Scotland (SNP) lãnh đạo chính quyền vùng Scotland muốn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về độc lập của vùng lãnh thổ này vào năm tới.
Về chính sách đối với Scotland, cả Ngoại trưởng Anh Liz Truss và cựu Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak Anh đều muốn tập trung vào vấn đề sức khỏe và giáo dục tại khu vực này.
[Bà Liz Truss dẫn trước sít sao trong cuộc đua chiếc ghế Thủ tướng Anh]
Scotland là vùng ghi nhận số ca tử vong vì ma túy cao nhất châu Âu và khoảng 66,7% dân số quốc gia gặp vấn đề sức khỏe như béo phì hoặc thừa cân, trong khi một báo cáo công bố năm ngoái nhận định hệ thống giáo dục Scotland yếu kém nhất ở Vương quốc Anh.
Bà Truss cam kết sẽ trao đặc quyền tại nghị viện cho các thành viên của Nghị viện Scotland để cơ quan lập pháp này giám sát chính quyền chặt chẽ hơn, đồng thời cho biết bà sẽ thúc đẩy ký một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ để loại bỏ mức thuế 150% lâu nay áp dụng đối với rượu Scotch Whisky - sản phẩm xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Scotland.
Bà Truss cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết trong Vương quốc Anh, khẳng định sự gắn kết sẽ khiến Vương quốc vững mạnh hơn.
Trong khi đó, ứng cử viên Sunak cho biết nếu trở thành Thủ tướng, ông sẽ yêu cầu các quan chức cấp cao của chính quyền Scotland tham dự các phiên điều trần thường niên của Quốc hội Anh, đồng thời sẽ đảm bảo sự minh bạch dữ liệu của chính quyền Scotland.
Năm 2014, Scotland đã tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập của vùng lãnh thổ này, với kết quả chênh lệch 55%-45% nghiêng về phe ủng hộ ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Tuy nhiên, chính quyền vùng Scotland cho rằng tình hình đã thay đổi với việc Anh rời EU năm 2016 vì đa số cử tri Scotland phản đối việc này, do đó cần tiến hành cuộc trưng cầu lần thứ 2./.