Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ngày 14/12 Mỹ đã thông báo về việc đình chỉ hoạt động của các máy bay vận tải Osprey tại Nhật Bản theo yêu cầu của Tokyo, sau vụ một máy bay loại này đâm xuống vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa miền Nam Nhật Bản đêm 13/12.
Đây là vụ tai nạn đầu tiên liên quan tới máy bay Osprey kể từ khi loại máy này được triển khai tại Nhật Bản kể từ năm 2012.
Nhật Bản yêu cầu đình chỉ hoạt động của loại máy bay này cho đến khi làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, thông báo qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, Trung tướng Jerry Martinez chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cho rằng rất ít khả năng nguyên nhân chính của vụ tai nạn nằm ở các hệ thống của máy bay.
Trước đó, rạng sáng 14/12, một máy bay trực thăng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phát hiện chiếc máy bay MV-22 Osprey trên vỉa đá ngầm ngoài khơi Nago. Máy bay này thuộc căn cứ Futenma của Mỹ ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa.
Quân đội Mỹ cho biết khi tai nạn xảy ra chiếc máy bay này đang tiến hành hoạt động huấn luyện hạ cánh xuống mặt biển.
Toàn bộ 5 thành viên tổ lái đã được đưa ra khỏi máy bay và chuyển đến 1 bệnh viện Hải quân. Trong số này có 2 người bị thương.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy di dời căn cứ Futenma từ Ginowan sang khu vực bờ biển Henoko ít dân cư hơn thuộc Nago.
Trong khi đó, chính quyền Okinawa yêu cầu di dời các căn cứ của Mỹ ra khỏi tỉnh này.
Máy bay Osprey có thể cất cánh và hạ cánh giống máy bay trực thăng và tiến hành tuần tra trên biển.
Người dân Nhật Bản lo ngại do nhiều tai nạn chết người liên quan tới loại máy bay này đã xảy ra ở các nước khác, trong đó vụ gần đây nhất xảy ra tại Hawaii hồi tháng 5/2015 làm 1 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Quân đội Mỹ đã triển khai hàng chục máy bay Osprey MV-22 tới căn cứ Futenma và dự định sẽ triển khai máy bay Osprey CV-22, một phiên bản của máy bay MV-22, tới căn cứ không quân Yokota ở ngoại ô Tokyo vào năm 2017./.