Quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ

Trong suốt quá trình 40 năm qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan có những bước thăng trầm, nhưng nhìn tổng thể, quan hệ hai nước phát triển đi lên.
Bức ảnh chụp tháng 7/2015 trong dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3. (Nguồn: TTXVN)

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng gần gũi hơn từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được chính thức thiết lập (6/8/1976-6/8/2016).

Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thái Lan gặt hái được nhiều thành quả, không ngừng phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Việt Nam và Thái Lan đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976. Thứ trưởng có thể cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 40 năm qua?

- Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Từ 6/8/1976, lần đầu tiên hai nước Việt Nam-Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo bước ngoặt mở ra hướng phát triển trong quan hệ hai nước. Trong 40 năm qua, hai nước đã chứng kiến những dấu mốc rất quan trọng.

Ngay sau khi ký thiết lập quan hệ ngoại giao, tới tháng 9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Thái Lan, chuyến thăm này hai bên đã ra thông cáo chung vạch đường hướng, tạo nền tảng cho quan hệ hai nước. Từ năm 1979 đến năm 1991, quan hệ hai nước gần như chững lại. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và ngày càng cải thiện, phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (năm 1995).

Là thành viên của ASEAN, hai nước có quan hệ truyền thống, đã mở ra quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giao lưu nhân dân. Năm 2004, hai nước đưa quan hệ lên bước phát triển mới, lần đầu tiên Nội các hai nước đã họp chung. Cũng nhân dịp này, hai nước đã khai trương Làng Văn hóa hữu nghị Thái-Việt trên đất Thái.

Năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Vương quốc Thái Lan, quan hệ hai nước lại có bước phát triển mới. Đó là chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Lần đầu tiên Thái Lan thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một nước thành viên ASEAN. Năm 2015, Chính phủ hai nước đã họp Nội các chung lần thứ 3. Hai bên đã đề ra những kế hoạch chung cho quan hệ hai nước, phấn đấu đến năm 2020, đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD.

Có thể nói, trong suốt quá trình 40 năm qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan có những bước thăng trầm, nhưng nhìn tổng thể, quan hệ hai nước phát triển đi lên, đến ngày hôm nay, quan hệ hai nước Việt Nam-Thái Lan rất bền chặt, quan hệ giao lưu giữa nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ.

- Thứ trưởng cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN?

- Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 10 nước, trong đó 5 nước trong lục địa (Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia). Trong số 5 nước ở lục địa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước tương đối phát triển. Dân số hai nước chiếm tới 1/3 dân số của cả Cộng đồng ASEAN, tổng GDP của hai nước cũng bằng 1/3 GDP của Cộng đồng ASEAN. Do vậy, vai trò sự hợp tác về kinh tế của hai nước có ảnh hưởng rất lớn. Trước hết là hợp tác kết nối của các nước trong khu vực lục địa gồm 5 nước nói trên, qua đó góp phần thúc đẩy vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Trong 40 năm qua, Việt Nam và Thái Lan đã có truyền thống trong việc cùng nhau hợp tác giải quyết những vấn đề chung. Với sự năng động của nền ngoại giao Việt Nam, tôi tin rằng sự hợp tác hai nước sẽ góp phần rất lớn vào sự củng cố, hợp tác đoàn kết trong ASEAN.

Đối với vấn đề Biển Đông, Thái Lan luôn là một trong những nước đi tiên phong trong việc tìm kiếm giải pháp, xây dựng nền hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đảm bảo môi trường hòa bình cho sự phát triển ở mỗi nước ASEAN.

- Trong những năm gần đây hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Thái Lan có nhiều kết quả tích cực, Thứ trưởng có thể đánh giá về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?

- Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Khoảng 20 năm trước đây, quan hệ thương mại hai nước có kim ngạch trao đổi rất khiêm tốn 0,5 tỷ USD/năm. Đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 11 tỷ USD/năm và phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch thương mại đạt 20 tỷ USD/năm.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu đó vì trong những năm sắp tới, số lượng hàng hóa trao đổi hai nước sẽ tăng, khi hai nước tiến tới thực hiện hiệp định thương mại tự do chung của ASEAN và những hiệp định chung khác. Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN và Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam.

Hai nước đều ở trên lục địa đất liền, kết nối giao thông thuận tiện. Hai nước có nhiều điểm bù trừ cho nhau, hàng hóa của nước này là sở thích của nhân dân nước kia và ngược lại. Hai nước cũng có những chính sách thông thoáng, thực hiện nhiều biện pháp giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông.

Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam với dự án lớn như: dự án dầu ở Vũng Tàu, các chuỗi siêu thị bán lẻ, thức ăn gia súc... Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 10 vào Việt Nam với gần 500 dự án trị giá khoảng 10 tỷ USD. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, Thái Lan sẽ vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam.

- Hiện nay, bà con kiều bào đang sống ở nhiều địa phương tại Thái Lan. Thứ trưởng cho biết Chính phủ Thái Lan đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan như thế nào?

- Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trong quan hệ hai nước Việt Nam-Thái Lan, vấn đề Việt kiều luôn là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của quan hệ hai nước. Việt kiều ở Thái Lan là một trong những nhóm người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên. Hiện nay ở Thái Lan có khoảng trên 100 ngàn người Việt, sống rải rác ở hầu hết các tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc.

Trước thời kỳ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chính sách của Thái Lan đối với Việt kiều có hạn chế. Đến nay, chính sách của Thái Lan đối với Việt kiều được nới dần.

Năm 1998, hai bên đã có thỏa thuận và phía Thái Lan đã có quyết sách cấp giấy tờ, quốc tịch cho công dân người Thái gốc Việt, những người Việt Nam định cư lâu năm ở Thái Lan. Hầu hết những người Việt Nam di cư sang Thái Lan đều đã trở thành công dân Thái và được hưởng đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình đối với Vương quốc Thái Lan. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống bà con Việt kiều, tạo ra bước ngoặt lớn. Bà con được hòa nhập với cuộc sống của nước sở tại, con em được đi học, được quyền mua nhà cửa, kinh doanh. Ở Thái Lan có nhiều luật sư, bác sỹ giỏi người Việt, bác sỹ trẻ gốc Việt.

Vừa qua, Thái Lan cũng đã tạo điều kiện cho Việt kiều tiếp tục duy trì đời sống văn hóa của mình như mở 4 khu di tích tưởng niệm Bác Hồ. Hiện nay, với sự chấp thuận của Chính phủ Thái Lan, cộng đồng người Việt có tổ chức riêng của mình đó là Tổng Hội người Việt toàn Thái Lan. Hầu hết các tỉnh đều có Chi hội. Tổ chức này nhằm kết nối bà con Việt kiều, vận động bà con tuân thủ luật pháp nước sở tại, có trách nhiệm với Chính phủ Thái Lan và cũng có nhiều chính sách của Thái Lan muốn thông tin đến cộng đồng người Việt.

Thông qua các Hội, đoàn, bà con được tham gia sinh hoạt chung, Lễ, Tết, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9 và Tết Cổ truyền dân tộc, liên hoan văn nghệ...

Tôi cho rằng, nhờ sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng người Việt, đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan, nhà Vua Thái Lan, cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã phát triển, trở thành cộng đồng có vị thế và vai trò rất lớn trong xã hội Thái Lan.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục