Quan hệ Nga-Mỹ khó có khả năng cải thiện trong tương lai gần?

Mỹ và Nga hiện đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu địa chính trị sôi sục có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, thậm chí ngay khi cả hai nước đều không muốn điều đó xảy ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết gần đây trên trang mạng National Interest, Mỹ và Nga hiện đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu địa chính trị sôi sục có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, thậm chí ngay khi cả hai nước đều không muốn điều đó xảy ra.

Chiến lược hiện nay của Mỹ đối với Nga không có hiệu quả, mà còn trói buộc Mỹ bởi những giới hạn. Những mối nguy hiểm này ngày càng leo thang.

Các công cụ ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang từ thời Chiến tranh Lạnh ít còn tác dụng, chế độ kiểm chứng và kiểm soát vũ trang nhằm tạo ra sự ổn định về chiến lược và ngăn chặn một cuộc đua vũ trang tốn kém cũng có nguy cơ sụp đổ.

Mỹ áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt đối với Nga, tuy nhiên lại không có tác động rõ ràng nào đối với chính sách đối ngoại của nước này. Các cuộc gặp chính thức và diễn đàn đối thoại cũng gần như không có và các cuộc tiếp xúc, trao đổi nhân dân giữa hai bên cũng giảm xuống mức không bên nào hiểu bên nào.

Trong khi đó, Nga lại hình hành một khối liên minh với Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ. Nga trở nên táo bạo hơn khi thách thức Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khi mở rộng các thỏa thuận an ninh, thương mại toàn cầu và trong khu vực.

Để xem xét và điều chỉnh lại chiến lược đối với Nga, Mỹ đầu tiên phải xác định lợi ích chiến lược lâu dài của mình, đó là an ninh quốc gia. Nga hiện vẫn là nước duy nhất có thể tiêu diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

[Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại ngay khi Mỹ sẵn sàng]

Hiện, Moscow đang phát triển một thế hệ vũ khí siêu thanh mới, được thiết kế để tránh hàng phòng thủ của Mỹ và tấn công các mục tiêu mà khó bị phát hiện. Nga cũng có các phương tiện để gây đời sống chính trị của Mỹ, thậm chí còn phá hủy vũ khí tối tân của Mỹ thông qua cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính của Mỹ. Mỹ, đương nhiên có khả năng gây tổn hại cho Nga, nhưng điều đó sẽ khiến hai nước lao vào vòng xoáy hủy diệt lẫn nhau.

Nga cũng vậy, có lợi ích chiến lược của riêng mình và cho dù Mỹ có chấp nhận điều đó hay không. Vì lợi ích an ninh, Mỹ phải cố gắng hiểu những điều gì là động lực của Nga. Việc phân tích khách quan mục đích của Moscow sẽ giúp làm rõ cách mà Mỹ nên theo đuổi các mục tiêu của mình và đưa ra phản ứng đối với những hành động trong tương lai của điện Kremlin.

Quá trình đánh giá lại này sẽ giúp làm rõ một điều, đó là Mỹ cần nhiều công cụ hơn và cần một chiến lược linh hoạt hơn, để đối phó với những nguy hiểm, thách thức và thậm chí là cả những cơ hội mà Nga có thể mang lại. Mặc dù đối đầu có thể đôi khi là cần thiết, nhưng vẫn cần phải thêm hai yếu tố nữa - cạnh tranh và hợp tác.

Tuy nhiên, cần dựa vào tình huống để cân nhắc các lựa chọn, cùng với đó là cái giá phải trả cho lựa chọn đó và kết quả mang lại. Những lựa chọn gần đây của Mỹ dường như được đưa ra trên giả định là không phải trả giá và không làm tổn hại đến những lợi ích quan trọng của Mỹ.

Ví dụ, nếu Mỹ chọn để các chế độ kiểm soát vũ khí giảm đi hoặc thậm chí không còn nữa, có phải Mỹ đã sẵn sàng trả giá để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân chiến lược của mình và hệ thống vũ khí truyền thống để giải quyết các cuộc xung đột tiềm tàng cùng lúc ở cả châu Âu và châu Á? Có phải Mỹ đã có khả năng để giám sát sự phát triển vũ khí của Nga nếu Mỹ từ bỏ các hiệp định kiểm chứng?

Nếu tiếp tục trừng phạt các cá nhân và thực thể Nga, có phải Mỹ sẵn sàng từ bỏ cả những lĩnh vực hợp tác và đối thoại ở phía trước giúp phục vụ lợi ích cả Nga và Mỹ, như thăm dò vũ trụ hay quản lý cạnh tranh ở Bắc Băng Dương không? Các doanh nghiệp Mỹ có sẵn sàng để mất các hợp đồng béo bở với các thực thể Nga vào tay các nhà cạnh tranh nước ngoài khác không? Hiệu quả do các lệnh trừng phạt có đáng giá không?

Nếu Mỹ không duy trì các mức độ liên lạc thường xuyên của các cuộc đối thoại quân sự, chính trị và các cuộc đàm phán khác với chính phủ Nga, liệu Mỹ có thể ngăn chặn sự leo thang không mong muốn của một cuộc xung đột vào đúng thời gian của một cuộc khủng hoảng? Nếu Mỹ giảm những cuộc trao đổi văn hóa, giáo dục với Nga, liệu sự thiếu hiểu biết giữa hai bên có dấn đến sự thù địch mất kiểm soát không?

Như vậy, chiến lược của Mỹ cần phải có những yếu tố sau. Đó chính là một sự tập trung mới về sự ổn định của chiến lược thông qua các thỏa thuận kiểm soát vũ khí có thể kiểm chứng và các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân; một khả năng phòng thủ và tấn công mạnh mẽ đối với cuộc chiến không gian mạng, kết hợp với các cuộc đối thoại với Nga và các nước khác nhằm thúc đẩy sự ổn định chiến lược trong lĩnh vực không gian mạng; khôi phục lại các cuộc tiếp xúc nhân dân để đảm bảo các kênh đối thoại tồn tại nhằm quản lý sự cạnh tranh giữa hai nước và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn.

Quan hệ Nga-Mỹ khó có khả năng cải thiện đáng kể trong tương lai gần. Nhưng nếu Mỹ thực hiện các bước trên thì đảm bảo rằng cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Nga sẽ đi chệch hướng và không đe dọa những lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ. Mỹ cần một chiến lược ổn định lưỡng đảng có sự kết hợp của các yếu tố là đối đầu, cạnh tranh, hợp tác, và phải được dựa trên một sự nhận định rõ ràng về kết quả, sự trả giá cho bất cứ sự lựa chọn chính sách nào của Mỹ.

Đây không phải là một nỗ lực “làm bạn” với Nga. Chiến lược này không phải căn cứ vào việc Nga thích Mỹ mà dựa vào việc tăng cường an ninh của chính Mỹ. Thích nó hay không, xây dựng những con đường tới Nga là một phần của việc đảm bảo an ninh Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục