Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính: "Nóng" vấn đề nợ công

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên chất vấn sáng 16/11 là giải pháp tăng cường quản lý nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 16/11. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên chất vấn sáng 16/11 là giải pháp tăng cường quản lý nợ công.

Nợ công đang được kiểm soát chậm lại

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề nợ công hiện là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần cho phép, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới.

“Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết, giải pháp quản lý rủi ro?" đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi.

Cùng chung mối quan tâm về nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, trong những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay tăng nhanh.

“Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, Bộ trưởng có giải pháp gì để quản lý an toàn nợ công nhưng vẫn bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển?” đại biểu nêu quan điểm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng bình quân một năm 18,4%, đến năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%, nợ công đang được kiểm soát chậm lại.

[Nợ xấu vẫn là mối nguy trong ngắn hạn của kinh tế Việt Nam]

Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, như báo cáo Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công; trình Bộ Chính trị thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm trong đó có chỉ tiêu trần nợ công; hoàn chỉnh Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, nợ công đã từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công năm 2015, 2016, 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép; bước đầu kiểm soát được tốc độ gia tăng, thực hiện được kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu.

Đây là công việc rất quan trọng, nếu như năm 2011, kỳ hạn phát hành trái phiếu là 3,9 năm thì đến năm 2016, kỳ hạn phát hành là 5 năm trở lên và 10 tháng năm 2017, kỳ hạn phát hành trái phiếu trong nước là 12,57 năm. Lãi suất theo hướng giảm dần, nếu như năm 2011, lãi suất là 12,01%/năm thì đến năm 2016 còn 6,48%/năm và 10 tháng năm nay thì lãi suất còn 6,04%/năm, giảm một nửa. Danh mục nợ trái phiếu Chính phủ cũng được cải thiện.

Cũng theo Bộ trưởng, nợ trong nước hiện tại là gần 61% trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài còn trên 39%. Cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ cũng đã thay đổi rất lớn. Nếu như năm 2015 - 2016, cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ ở hệ thống ngân hàng thương mại là 78,9% thì đến nay còn 54%, đã phát triển mạng lưới thông qua các quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ đầu tư,…

“Vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công nhưng bước đầu thì kết quả cũng như các giải pháp chúng ta đang triển khai là đúng, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến việc chi tiêu hiệu quả của nợ công,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 16/11. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chưa có giải pháp kiểm soát các dự án vượt mức dự toán đầu tư

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) giơ biển tranh luận. Theo đại biểu Tuấn, điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công, “nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu.”

Đại biểu phân tích, khi đầu tư công không hiệu quả sẽ gây thiệt hại kép. Nhà nước phải trả tiền gốc, tiền lãi, trả bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư không hiệu quả như trường hợp 12 dự án "đắp chiếu" vừa qua. Việc này gây đội vốn đầu tư, thất thoát ngân sách, tác động xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm hiệu quả đầu tư công.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, chất lượng, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công, tuy nhiên đây là vấn đề quản lý Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương. Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang triển khai việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong mỗi giai đoạn 2005-2010, 2011-2015, có hơn 20.000 dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn. Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định sau đó được luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016-2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách.

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này.” Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư hợp lý.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân khiến hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao là do việc triển khai đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh.

Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuận lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật này.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến vấn đề nợ công hiện nay và các giải pháp bảo đảm an toàn nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục