Ngày 16/6, kỳ họp Quốc hội của Nhật Bản kết thúc sau 150 ngày làm việc tập trung, hiệu quả với tỷ lệ xây dựng luật lên đến 97%, cao nhất trong vòng bảy năm qua.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ Nhật Bản đã trình 63 bộ luật, tăng ba luật so với năm 2020, trong đó có 61 bộ luật được quốc hội thông qua và chỉ có hai bộ luật chưa đạt được đồng thuận là luật truyền hình sửa đổi và luật quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi.
Dấu ấn trong công tác xây dựng luật của kỳ họp Quốc hội Nhật Bản lần này chính là các dự luật nhằm triển khai các chính sách ưu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, trong đó có luật các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới sửa đổi với quy định nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 như xử phạt hành chính, phạt tiền đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định phòng dịch.
[Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp]
Luật cải cách kỹ thuật số với trọng tâm là xây dựng cơ quan đầu não thuộc chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo chính sách về số hóa. Luật cải cách y tế sửa đổi với nỗ lực giảm gánh nặng bảo hiểm xã hội cho những người đi làm.
Luật kiểm soát các giao dịch các khu đất trọng yếu nhằm hạn chế nguy cơ nước ngoài lợi dụng các khu vực trọng yếu của Nhật Bản để thực hiện các hành vi gây hại đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đảng đối lập tại Nhật Bản đã trình nghị quyết bất tín nhiệm Nội các lên Hạ viện. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Công minh (LKP) với đa số ghế tại Hạ viện đã bác bỏ kiến nghị này.
Trước đó, vào tháng 6/2019, phe đối lập cũng đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm Nội các khi đó của Thủ tướng Abe Shinzo song cũng không được chấp thuận./.