Quỹ Wikimedia kiện chương trình do thám của chính phủ Mỹ

Đơn vị sáng lập trang mạng tra cứu Wikipedia cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác ngày 10/3 đã đệ đơn kiện chương trình do thám diện rộng của NSA.
Toàn cảnh trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia ở Maryland ngày 29/1/2010. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đơn vị sáng lập trang mạng tra cứu Wikipedia cùng nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác ngày 10/3 đã đệ đơn kiện chương trình do thám diện rộng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), khẳng định hoạt động can thiệp vào các trao đổi trên mạng Internet là việc làm phạm pháp.

Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang bang Maryland, nơi đặt trụ sở của NSA, Quỹ Wikimedia (tổ chức phi lợi nhuận quản lý Wikipedia), Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Mỹ, Tổ chức theo dõi nhân quyền cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác nêu rõ các hoạt động của NSA cùng nhiều cơ quan tình báo khác đã "vượt quá phạm vi thẩm quyền do Quốc hội trao cho" và vi phạm hiến pháp Mỹ.

Theo Patrick Toomey, thành viên của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, những tài liệu do cựu nhân viên tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden công bố cho thấy thay vì giới hạn hoạt động giám sát trong phạm vi các liên lạc giữa công dân Mỹ và các mục tiêu nước ngoài, NSA đã tiến hành theo dõi hàng loạt trên diện rộng đối với tất cả các trao đổi trên mạng Internet.

Điều này vi phạm Điều khoản sửa đổi số 1 trong Hiến pháp Mỹ với nội dung bảo vệ tự do ngôn luận và giao tiếp cũng như Điều khoản sửa đổi số 4 bảo vệ người dân trước các hoạt động khám xét và thu giữ không hợp lý.

Vụ việc này là bước đi mới nhất từ các tổ chức ủng hộ quyền riêng tư nhằm vào các chương trình do thám của chính phủ Mỹ.

Hồi năm 2013, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đệ một đơn kiện tương tự song bị bác bỏ với lý do thiếu lập luận cũng như bằng chứng vững chắc cho thấy chương trình do thám đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tuyên bố của Wikimedia lần này lập luận rằng chương trình do thám của chính phủ đã gây ra tác động trực tiếp do các tài liệu rò rỉ cho thấy các cơ quan tình báo nhắm trực tiếp tới hệ thống bách khoa trực tuyến Wikipedia cũng như người dùng trang này.

Các tổ chức đệ đơn kiện cũng cho biết việc theo dõi hàng loạt khiến các đối tác, nhà báo, quan chức chính phủ nước ngoài, nạn nhân các vụ lạm dụng quyền con người cùng các đối tượng khác ngần ngại trong việc chia sẻ thông tin nhạy cảm với các tổ chức phi chính phủ.

Bị đơn trong vụ việc lần này bao gồm NSA cùng Giám đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Trả lời về vụ việc, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết bộ này đang "xem xét các khiếu nại" trong khi NSA hiện chưa đưa ra bình luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục